ĐBP - Sáng nay (25/11), Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuộc họp trực tuyến với UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Nam Định thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ, các bước tiếp theo để triển khai đối với Dự án xây dựng cầu địa phương và quản lý tài sản đường bộ (LRAMP-FO).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, trong giai đoạn 2016 - 2021, hợp phần cầu - Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) vay vốn WB đã triển khai và hoàn thành đưa vào khai sử dụng 72 công trình cầu với tổng mức đầu tư 238,83 tỷ đồng (vốn vay WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam) trên địa bàn 9 huyện, thị xã.
Đối với dự án LRAMP-FO giai đoạn tiếp theo, tỉnh Điện Biên đề xuất 1 hợp phần xây dựng đường địa phương với 4 dự án, gồm: 3 tuyến đường tỉnh và 1 tuyến đường huyện với tổng chiều dài khoảng 75,5km; thời gian thực hiện từ 2025 - 2029. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.495,7 tỷ đồng (dự án nhóm B), tương đương 62,3 triệu USD. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn vay ODA của WB là 1.134,6 tỷ đồng (tương đương 47,2 triệu USD) và vốn đối ứng 361,1 tỷ đồng, (15,1 triệu USD). Các dự án nêu trên phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Thế giới và các tỉnh thảo luận về 2 nội dung gặp khó khăn, vướng mắc là chi phí khoản vay IBRD hiện nay bao gồm: Lãi suất SOFR thả nổi công chi phí chênh lệch biến đổi, phí thu xếp khoản vay, phí cam kết tại thời điểm hiện tại khoảng gần 5,96% - 6,46%/năm và cơ chế, cách thức triển khai các dự án theo các quy định hiện hành. Tỉnh Điện Biên đề nghị nhà tài trợ nghiên cứu xem xét giảm lãi suất kèm theo khoản viện trợ.
Trên cơ sở các trao đổi tại cuộc họp, WB đề nghị các tỉnh tiếp tục nghiên cứu và sẽ tổ chức cuộc họp giữa các bên để trao đổi thống nhất các nội dung còn vướng mắc vào cuối tháng 12/2024.