Đổi thay ở Nặm Giắt

15:56 - Thứ Ba, 26/11/2024 Lượt xem: 366 In bài viết

Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.

Nông dân bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, thu hoạch chè.

Đón chúng tôi tại nhà văn hóa bản, ông Thào A Sênh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, thông tin: Bản có 302 hộ, gồm 2 dân tộc Mông và Thái, được sáp nhập từ 5 bản: Pha Lao, Phiêng Luông, Huổi Diếng, Noong Bỏng, Nặm Giắt. Trong đó, bản Noong Bỏng là bản di dân tái định cư thủy điện Sơn La chuyển từ huyện Quỳnh Nhai về năm 2008. Khai thác lợi thế về đất đai, nguồn lao động, cùng với các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chi bộ, Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể bản đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Thanh niên lập thân lập nghiệp”... thu hút hội viên, đoàn viên tham gia. Đồng thời, nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng cho 751 hội viên, đoàn viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 7 tỷ đồng. Đến nay, nhân dân trong bản thâm canh 109 ha chè, 95 ha cà phê, 146 ha ngô; duy trì trên 1.000 con gia súc gia cầm. Bản có 10 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Kinh tế phát triển, cuộc sống của bà con đầy đủ hơn, cả bản chỉ còn 3 hộ nghèo.

Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện kiểm tra hạng mục tuyến đường ra khu vực sản xuất, bản Nặm Giắt.

Là hộ di dân tái định cư chuyển từ Quỳnh Nhai về năm 2008, anh Lềm Văn Duyên nhớ lại: Thời điểm mới di chuyển về đây, chúng tôi băn khoăn không biết phát triển kinh tế như thế nào. Vì trước đây, chỉ quen canh tác cây ngô, lúa nước. Năm 2013, nhận thấy một số hộ trong xã và các xã lân cận trồng chè và cà phê hiệu quả, gia đình tôi làm theo. Hiện nay, gia đình có 2,2 ha đất trồng cà phê, chè. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng không cao, nhưng lại bán được giá; thương lái hiện đang thu mua cà phê tại nương với giá 20 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay, bà con rất phấn khởi. Tôi còn đầu tư mua xe tải làm dịch vụ chở thuê nông sản.

Thăm mô hình kinh tế của anh Lầu A Dếnh, gia đình anh đang tập trung thu hoạch cà phê kịp cho thương lái đến thu mua. Anh Dếnh kể: Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Năm 2019, nhận thấy một số hộ dân trong xã trồng cây cà phê cho hiệu quả nên bắt đầu áp dụng. Được cán bộ xã quan tâm hướng dẫn, cây cà phê phát triển tốt. Hiện nay, gia đình có gần 1 ha cà phê đang cho thu hoạch; thâm canh hơn 1 ha ngô; nuôi 13 con lợn thịt và duy trì 4 con lợn nái, 2 con bò. Bây giờ, cuộc sống gia đình tôi đã dư giả, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học chu đáo.

Nông dân bản Nặm Giắt thu hái cà phê.

Kinh tế phát triển, người dân bản Nặm Giắt có thêm điều kiện tham gia các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bản duy trì 5 đội văn nghệ thường xuyên giao lưu, biểu diễn phục vụ bà con. 100% hộ thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; 100% trẻ em trong bản đi học đúng độ tuổi, không có học sinh bỏ học. Duy trì hoạt động hiệu quả 17 nhóm liên gia tự quản, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Nặm Giắt được đầu tư xây dựng trường học, đường giao thông, công trình nước sạch. Hiện nay, trên địa bàn đang thi công đường nội bản và đường ra khu sản xuất dài 3,7 km; tổng đầu tư hơn 988 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 324 triệu đồng, còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ... Đến nay, công trình hoàn thành khoảng 70%, phấn đấu hoàn thành trong năm nay.

Các đội văn nghệ thường xuyên giao lưu biểu diễn phục vụ nhân dân.

Được Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động, gia đình chị Quàng Thị Dung đã hiến gần 30m² để mở rộng, làm đường bê tông ra khu sản xuất. Chị Dung chia sẻ: Vì lợi ích chung của bản, cũng như tạo thuận lợi trong việc sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản, nên các thành viên trong gia đình đã đồng thuận hiến đất để làm đường.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, Ban quản lý bản và quyết tâm vươn lên của nhân dân, kinh tế của bản Nặm Giắt đang có những bước phát triển tích cực. Bản đang tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cây trồng hợp lý, tạo thêm việc làm, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của bà con.

Bài, ảnh: Trần Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top