Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế theo thế mạnh của địa phương, lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Sản phẩm miến dong của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu, huyện Bắc Yên được công nhận sản phẩm OCOP.
Là một trong 5 xã vùng cao của huyện Bắc Yên, Làng Chếu có 5 bản, 734 hộ, 4.080 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông sinh sống. Trình độ dân trí không đồng đều cũng là nguyên nhân khiến kinh tế của Làng Chếu gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Hạng A Củ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hằng năm, xã triển khai lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác, tạo động lực cho hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Trong 5 năm trở lại đây, xã đã đưa một một số loại cây dược liệu và thảo quả trồng dưới tán rừng. Vận động nhân dân mở rộng diện tích ruộng bậc thang, đảm bảo lương thực tại chỗ; đồng thời, tận dụng khoảng thời gian sau mùa gặt lúa, trồng thêm đậu, đỗ, rau các loại để tăng thêm nguồn thu. Đến nay, xã Làng Chếu có 468 ha lúa 2 vụ, gần 400 ha sơn tra, 61 ha cây dược liệu, 60 ha dong riềng, 61 ha thảo quả, 55 ha chè và một số loại cây trồng khác. Đảm bảo tiêu thụ nông sản cho bà con, xã khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập 2 HTX nông nghiệp, xây dựng 4 xưởng sản xuất, chế biến dong riềng, với sản lượng 2.430 tấn bột/năm.
Bản Cáo A có 94 hộ, hơn 561 nhân khẩu. Nhân dân trong bản đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống của các hộ dân. Ông Sồng A Tráng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Ban quản lý bản đã tích cực vận động nhân dân khai thác những diện tích đất còn bỏ hoang làm ruộng bậc thang trồng lúa, mở rộng diện tích trồng cây sơn tra, cây dong riềng để tăng thu nhập. Đến nay, bản có 75 ha lúa ruộng, 25 ha dong riềng, 85 ha sơn tra. Đời sống của nhân dân đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây.
Là một trong những hộ đi đầu trong thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế. Nhận thấy tiềm năng từ cây sơn tra và dong riềng, ông Sồng A Mang, bản Cáo A đã mạnh dạn đứng ra thu mua nông sản. Năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của xã, ông quyết định thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu với 9 thành viên, canh tác 42 ha táo sơn tra và 37 ha dong riềng, ngoài sản xuất còn thu mua dong riềng của bà con.
Ông Sồng A Mang cho biết: Năm 2022, HTX đầu tư 2,5 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất miến dong, máy sấy lạnh, xây dựng xưởng sản xuất táo sơn tra và dong riềng với diện tích gần 200 m². Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 200 tấn quả sơn tra, hơn 1.300 tấn củ dong riềng cho nhân dân các xã trong vùng. Doanh thu mỗi năm đạt từ 800-900 triệu đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 7-12 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nhiều công trình, dự án ở xã Làng Chếu đã được đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng, như: Trụ sở làm việc xã, trạm y tế, trường học, các tuyến đường giao thông liên bản, nội bản được bê tông hóa. Hàng chục dự án sinh kế, phát triển sản xuất được triển khai tại các bản, như hỗ trợ thóc giống, phân bón, cây giống, bò giống cho các hộ nghèo và cận nghèo đã giúp cho bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày một khấm khá.
Hiện nay, sản phẩm miến dong của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu được công nhận sản phẩm OCOP; 3/5 bản có đường về trung tâm bản được cứng hóa; 100% bản có công trình nước sinh hoạt tập trung; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã còn 56,5%.
Chứng kiến sự đổi thay của Làng Chếu, ông Hạng A Chờ, bản Trang Dua Hang, năm nay hơn 70 tuổi, chia sẻ: Trước đây, làm cán bộ xã, khi xuống các bản tuyên truyền chủ trương, chính sách cho bà con phải mất nhiều ngày. Cây chủ lực của bà con lúc đó là cây thuốc phiện; đời sống khó khăn lắm, tỷ lệ mù chữ cao. Làng Chếu bây giờ thay đổi nhiều lắm; đường về xã, bản được đổ bê tông, trải nhựa, ô tô về tận bản thu mua nông sản; hàng hóa cũng được chở về bán tại xã, bản. Đời sống của bà con ngày càng ấm no.
Từ một vùng quê nghèo khó, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, Làng Chếu đã có nhiều đổi thay. Kết quả đó là động lực để đồng bào các dân tộc nơi đây tiếp tục chung sức, đồng lòng, vươn lên thoát nghèo bền vững.