ĐBP - Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, mua sắm trực tuyến khiến việc kinh doanh, mua bán tại chợ truyền thống, khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn. Đối với Điện Biên, hệ thống chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác chợ nông thôn còn nhiều bất cập, trở ngại cần được tháo gỡ, tránh lãng phí nguồn đầu tư.
Chợ có… 5 hộ kinh doanh
Chợ Mường Phăng, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) có diện tích 1.470m2, được xây dựng và bàn giao đưa vào quản lý, sử dụng từ ngày 13/10/2023, với tổng vốn đầu tư 2,99 tỷ đồng. Mục tiêu đưa chợ Mường Phăng trở thành trung tâm kết nối giao thương trong khu vực, thúc đẩy giao lưu, buôn bán các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, đặc sản địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân xã Mường Phăng... Tuy nhiên, sau hơn 1 năm hoạt động, chợ Mường Phăng được đánh giá không hiệu quả khi cả chợ có… 5 hộ kinh doanh.
Để hiểu rõ hơn về thực trạng khai thác, quản lý chợ Mường Phăng, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo xã Mường Phăng. Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Chợ Mường Phăng chủ yếu hoạt động vào buổi sáng, số lượng người mua, bán “đếm trên đầu ngón tay”, nhiều ki ốt trong chợ bỏ trống. Chợ đã xây dựng kiên cố thì vắng vẻ nhưng xung quanh chợ, người dân lại lấn chiếm hành lang giao thông hoặc tận dụng vỉa hè trước cửa nhà làm nơi kinh doanh buôn bán. Chúng tôi thừa nhận tình trạng như vậy là do công tác quản lý của chính quyền xã chưa kiên quyết. Mặt khác, trong thời gian đưa chợ vào hoạt động, số hộ kinh doanh trong chợ quá ít nên UBND xã chưa thành lập ban quản lý chợ, chưa ban hành nội quy, quy chế hoạt động. Công tác phối hợp giữa UBND xã và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND thành phố thiếu chặt chẽ nên dù chợ hoạt động hơn 1 năm nay, chính quyền xã vẫn chưa nhận được quyết định về thu phí chợ, phân hạng chợ theo Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và việc giao nhiệm vụ quản lý chợ từ phía UBND thành phố. Đây là một phần nguyên nhân khiến chợ Mường Phăng hoạt động chưa hiệu quả.
Không chỉ ở xã vùng ngoài, ngay trung tâm TP. Điện Biên Phủ, chợ C13, phường Thanh Trường được xây dựng đưa vào sử dụng từ tháng 12/2023 nhưng đến nay chỉ có 13 gian hàng được ký hợp đồng thuê. Chợ C13 có quy mô 120 gian hàng (72 ki ốt chợ chính, 48 ki ốt nhà mái tôn) và khu vực bán hàng ngoài trời rộng 420m2. Trong số 13 gian hàng ký hợp đồng chỉ có 3 gian hàng đang kinh doanh, còn lại 10 gian thuê xong để đó.
Là 1 trong 3 hộ thuê và sử dụng ki ốt tại chợ C13 từ tháng 9/2024, chị Sùng Thị Mỷ, xã Na Sang (huyện Mường Chà) bán trang phục của người dân tộc Mông. Gần 2 tháng buôn bán… chưa có một vị khách nào đến hỏi mua sản phẩm của chị! Chị Mỷ chia sẻ: Tôi thấy xây dựng chợ to, đẹp nhưng lượng khách đến chợ mua hàng rất ít, có lẽ mọi người thích đến các trung tâm mua sắm của thành phố hơn.
Tuy nhiên cách chợ C13 gần 1km, người dân lại lấn chiếm hành lang giao thông, tận dụng cây xăng đã dừng hoạt động làm điểm buôn bán, kinh doanh. Hàng thịt, hàng rau, đồ ăn chín, kể cả hàng quần áo... bày bán tràn lan, không khí mua bán tấp nập. Một hộ bán rau ở đây chia sẻ: Mang hàng ra đây còn bán được, chứ vào trong chợ không ai mua. Ở khu vực này vào buổi chiều tan tầm, người dân đi qua tiện đường dừng mua hàng. Cứ thế người bán, người mua ngày càng tấp nập tạo thành chợ cóc ngay hành lang quốc lộ. Cũng theo người dân ở đây chia sẻ: “Nhiều lần chính quyền đã vào cuộc giải tỏa hàng quán lấn chiếm lòng đường, lề đường, song chỉ được vài ngày, khi không có lực lượng chức năng túc trực, tình trạng lấn chiếm tái diễn”.
Cần khai thác, quản lý chợ hiệu quả
Thời gian qua, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) đã tìm nhiều giải pháp cho các hộ kinh doanh, đặc biệt chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức dẹp bỏ các điểm bán hàng không đúng quy định, xung quanh khu vực chợ, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con vào chợ buôn bán, nhưng tình hình vẫn không cải thiện.
Trao đổi về phương án sử dụng chợ, ông Cao Đại Dương, Chủ tịch UBND phường Thanh Trường cho biết: Thời gian tới, phường tiếp tục phối hợp với các cơ quan đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn, các hộ kinh doanh có nhu cầu tiếp tục đăng ký kinh doanh tại chợ. Đồng thời, phường đề nghị các phường, xã lân cận phối hợp tuyên truyền đối với hộ có nhu cầu đăng ký thuê gian hàng kinh doanh. Để thu hút kinh doanh tại chợ, chúng tôi sẽ có chính sách riêng, hỗ trợ hộ mới kinh doanh, không thu phí 2 tháng đầu để đánh giá mức độ thu và khuyến khích hộ kinh doanh tham gia hoạt động tại chợ.
Theo thống kê của Sở Công Thương, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 41 chợ, 21 xã nông thôn có chợ. Việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, quản lý, khai thác chợ luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay, hạ tầng thương mại nói chung và chợ nói riêng đã có sự phát triển đáng kể, tạo điều kiện mở rộng giao thương hàng hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh còn không ít hạn chế, chưa khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư. Trên cơ sở quản lý Nhà nước về chợ, Sở Công Thương ban hành văn bản số 1389/SCT-QLTM ngày 28/8/2023 về việc tăng cường quản lý chợ đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Qua kết quả rà soát kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các chợ nông thôn, ngành sẽ trình UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đối với chợ hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Đây là phương án xử lý hợp lý được Sở Công Thương đưa ra tránh lãng phí nguồn đầu tư và quỹ đất xây dựng chợ. Đối với chợ đầu tư thời gian tới, cần thực hiện theo quy hoạch được duyệt, trong đó chú trọng công tác điều tra, khảo sát thực tế, đánh giá đúng nhu cầu, tính cần thiết của việc đầu tư xây dựng chợ, tôn trọng yếu tố lịch sử của việc hình thành chợ. Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi, mua bán của nhân dân để xác định quy mô, vị trí phù hợp.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời kỳ đầu các tiêu chí bắt buộc về cơ sở hạ tầng phải có chợ. Tuy nhiên, việc xây dựng chợ chưa thực sự cần thiết thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc trong khi thực hiện tiêu chí này, tránh tình trạng chợ vừa xây xong phải gánh khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản mà không hiệu quả, lãng phí nguồn đầu tư.