ĐBP - Những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ diễn ra nhanh chóng. Kéo theo đó là nhu cầu xây dựng các công trình hạ tầng du lịch, kinh doanh dịch vụ, nhà ở riêng lẻ ngày càng tăng. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng theo phân cấp trở thành yêu cầu cấp bách.
Liên tiếp phát hiện sai phạm
Cuối tháng 10 vừa qua, lực lượng chức năng TP. Điện Biên Phủ đã phối hợp cùng UBND phường Thanh Bình, đại diện tổ dân phố 1 tiến hành kiểm tra hiện trạng, lập biên bản ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng đối với gia đình ông P.V.T. Được biết, gia đình ông T. có diện tích đất hợp đồng thuê với UBND phường Thanh Bình để phục vụ kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, ông T. đã tự ý cơi nới, dựng công trình nhà mái tôn trên diện tích 504,1m2 mà chưa được cấp phép.
Kiểm tra, lực lượng chức năng xác định đây là phần đất thuộc dự án đã được quy hoạch, hành vi của ông T. là trái phép nên đã ngăn chặn, yêu cầu gia đình tháo dỡ công trình.
Ông T. chia sẻ: “Do tôi chưa nắm được các quy định pháp luật, cứ nghĩ đất thuê rồi thì mình được phép dựng công trình phục vụ nhu cầu kinh doanh. Sau khi nghe giải thích, tôi đã hiểu hành vi của tôi là vi phạm các quy định pháp luật. Do vậy, tôi cam kết tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng đất. Trước mắt, tôi mong muốn cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xem xét, tạo điều kiện để gia đình kinh doanh trong thời gian chờ dự án”.
Một trường hợp vi phạm trật tự xây dựng khác phức tạp hơn, buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế đó là gia đình ông Đ.T.T., tổ dân phố 3, phường Mường Thanh. Ngày 11/7/2024, UBND TP. Điện Biên Phủ đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đ.T.T. có hành vi lấn chiếm 475,7m2 đất phi nông nghiệp tại đô thị. Trên vị trí đất này, ông Đ.T.T. đã xây dựng nhà cấp 4, lán tạm và canh tác cây cối, hoa màu.
Lực lượng chức năng xác định, diện tích lấn chiếm đã được UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) thu hồi theo Quyết định số 559/QĐ-UB, ngày 12/5/2003 và năm 2007 Hợp tác xã Him Lam đã bàn giao đất cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng tỉnh Lai Châu sử dụng để xây dựng đập, kè và cơ sở hạ tầng công viên ven sông Nậm Rốm. Theo quyết định, ông Đ.T.T chịu mức phạt tiền 30 triệu đồng và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình, cây cối hoa màu, di dời tài sản trên đất và thực hiện cải tạo, phục hồi lại mặt bằng tương đương với thửa đất ban đầu trước khi vi phạm.
Tuy nhiên, ông Đ.T.T chỉ nhất trí tự tháo dỡ phần tài sản, vật kiến trúc trên đất, không nhất trí bàn giao mặt bằng nên UBND thành phố phải cưỡng chế, tiến hành phá dỡ công trình, dọn cây cối còn lại trên đất, bàn giao UBND phường Mường Thanh quản lý theo quy định.
Ngăn chặn từ khi mới manh nha
Là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh, TP. Điện Biên Phủ tập trung đông dân cư sinh sống, nhu cầu về nhà ở cao, kéo theo đó tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phức tạp cũng là điều dễ hiểu. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vi phạm của người dân chủ yếu như: Sử dụng đất không đúng mục đích; tổ chức thi công công trình không có giấy phép, thi công vượt cấp phép, không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt…
Ông Nguyễn Kim Lân, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị thành phố cho biết: “Việc ngăn chặn hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn do người vi phạm thường chọn ngày nghỉ, cuối tuần hoặc làm lén vào ban đêm. Các trường hợp xây dựng nhà vi phạm đa số là hộ khó khăn về nhà ở, công trình xây dựng là nơi ở hoặc nơi sản xuất duy nhất nên quá trình vận động tháo dỡ cũng phức tạp. Trong khi đó, địa bàn có nhiều quy hoạch dự án nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai, dẫn đến những ảnh hưởng nhất định đối với cuộc sống, nhu cầu sản xuất của người dân, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý”.
Với quyết tâm ngăn chặn, xử lý ngay từ khi mới manh nha, hạn chế thấp nhất những sai phạm và việc phải khắc phục sai phạm, đưa hoạt động xây dựng trên địa bàn đi vào quy củ, thời gian qua thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Trọng tâm là siết chặt công tác kiểm tra, xử lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm liên quan. Lực lượng chức năng, UBND các xã, phường làm tốt công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng.
Với chủ trương đó, các công trình xây dựng trên địa bàn được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (trừ công trình bí mật nhà nước, công trình quốc phòng an ninh). Qua đó, các hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, ngăn chặn kịp thời ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế tối đa việc tổ chức cưỡng chế.
Đơn cử, tại xã Thanh Minh, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Thành viên tổ bao gồm công chức chuyên môn xã, đại diện 12/12 tổ dân phố, bản trên địa bàn. Nhiệm vụ chính của tổ là duy trì hoạt động kiểm tra thường xuyên, liên tục trên địa bàn; tuần tra chéo hoặc tuần tra song song với lực lượng chức năng của thành phố. Từ đó kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn, xử lý.
Thống kê từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Điện Biên Phủ đã phối hợp với lực lượng chức năng, UBND xã, phường thực hiện kiểm tra 265 trường hợp. Trong đó, có 250 trường hợp xây dựng đúng giấy phép đã được cấp; lực lượng chức năng lập biên bản kiểm tra hiện trạng, ngăn chặn kịp thời 12 trường hợp; phối hợp với UBND phường lập biên bản vi phạm hành chính 2 trường hợp. Ngoài ra, qua kiểm tra 26 trường hợp khác, đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng, ngăn chặn 23 trường hợp vi phạm quản lý, sử dụng đất; lập biên bản vi phạm hành chính 3 trường hợp.