Kinh tếMôi trường rừng

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng nhờ chính sách DVMTR

06:34 - Chủ Nhật, 08/09/2024 Lượt xem: 1810 In bài viết

ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân. Nhờ có tiền DVMTR, cuộc sống của nhiều hộ dân đã thay đổi, từ đó ý thức bảo vệ rừng cũng được nâng lên. Hơn thế, từ khi người dân được hưởng tiền DVMTR, tình trạng chặt phá, xâm lấn rừng, khai thác lâm sản trái phép cũng được hạn chế đáng kể. Thực tế đó đã chứng minh tính hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Khi được hưởng lợi ích từ rừng, người dân huyện Mường Ảng đã tích cực tham gia các cuộc họp, tuyên truyền liên quan đến chính sách, Luật Lâm nghiệp.

Với diện tích hơn 210ha rừng được giao quản lý, chăm sóc và bảo vệ, hàng tháng các thành viên tổ tuần tra, bảo vệ rừng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) đều tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Cùng với đó, các thành viên cũng thường họp bàn phân công nhiệm vụ và đề ra các giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, thiết thực. Mỗi năm, cộng đồng tổ dân phố 2 được chi trả khoảng 100 triệu đồng tiền DVMTR, số tiền không nhiều, nhưng người dân đã ý thức, trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát khai thác lâm sản; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Ông Tòng Văn Lứu, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà chia sẻ: “Có chế độ chi trả DVMTR, nhân dân rất nhiệt tình bảo vệ rừng. Tổ dân phố chúng tôi đã thành lập tổ tuần tra, bảo vệ rừng, những tháng mùa khô chúng tôi thường xuyên tuần tra để bảo vệ rừng theo định kỳ tháng 2 lần; còn mùa mưa thì một tháng đi tuần tra một lần để kịp thời phát hiện chặt phá, cháy rừng. Còn với nguồn tiền DVMTR được chi trả hàng năm, tổ dân phố dành phần nhiều để duy trì các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn; còn dư mới sử dụng vào các việc chung của phố hay sửa chữa các công trình công cộng, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa… 

Những năm qua, nhiều cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Sau gần 10 năm chuyển đổi từ canh tác trên nương sang phát triển kinh tế rừng bền vững, cộng đồng bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ) không chỉ quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn, mà còn tập trung trồng hơn 70ha rừng. Với diện tích hơn 160ha rừng hiện có, giờ đây cộng đồng bản đã coi đó là tài sản chung để cùng chăm sóc, bảo vệ và cùng hưởng lợi.

Người dân tổ dân phố 2, thị trấn Mường Chà phối hợp với kiểm lâm họp bàn giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.

Bà Lò Thị Hạ, bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: “Với diện tích rừng này, hàng nằm, bản mình đều được hưởng tiền từ các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng và chi trả DVMTR. Khi rừng đem lại lợi ích, dân bản mình đã ý thức hơn nhiều, không ai phá rừng làm nương, chặt phá cây rừng lấy gỗ, lấy củi hay cho trâu bò vào rừng nữa. Tất cả đều phải bảo vệ rừng để còn được hưởng tiền hỗ trợ của Nhà nước nữa chứ!”.

Việc chi trả DVMTR đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Giờ đây, người dân ngày càng nhận thức rõ được rằng để mức chi trả tiền ngày càng cao phải bảo vệ rừng thật tốt. Vì vậy, nhằm bảo vệ nguồn thu nhập mà rừng mang lại đồng nghĩa với đó là bà con phải tự giác nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, không chặt phá rừng, xâm hại đến diện tích rừng. Có như vậy mới được chi trả tiền DVMTR, có thêm điều kiện phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn chủ rừng thuộc xã Noong Luống, huyện Điện Biên, làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 96.000 gia đình hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR; trong đó có hộ còn được hưởng hơn 120 triệu đồng/năm. Với mức tiền DVMTR cao đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân tham gia bảo vệ rừng; từ đó trở thành động lực thúc đẩy mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục phát huy hiệu quả, tỉnh Điện Biên tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của các chủ rừng, cộng đồng thôn, bản tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Qua theo dõi, việc chi trả DVMTR, chúng tôi nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng, các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, diện tích rừng bị xâm hại hàng năm đã giảm. Hơn thế là người dân cũng tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm để quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR… Với những chuyển biến tích cực có được nhờ chính sách chi trả DVMTR, thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền về các chính sách chi trả đến các chủ rừng bằng việc sử dụng đa dạng các hình thức, để bà con ngày càng hiểu rõ về lợi ích của chính sách chi trả DVMTR, tiếp tục đồng hành để giữ rừng ngày càng xanh tốt…

Thực sự là không phải ai cũng ý thức được hết tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ rừng, nhưng khi rừng đem lại lợi ích, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập thì ai cũng trách nhiệm hơn để giữ màu xanh cho những cánh rừng. Bởi bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi người, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Rừng không chỉ che chắn, bảo vệ nhân dân khỏi thiên tai, mang đến bầu sinh thái trong lành, mà còn mang lại nguồn thu nhập, lợi ích cho chủ rừng, cộng đồng thôn, bản tham gia giữ rừng; nhất là từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top