Kinh tếNông thôn mới

Nông thôn mới chưa bền vững (bài 3)

Bài 3: Cốt lõi là vai trò chủ thể và chất lượng cuộc sống của người dân

15:32 - Thứ Sáu, 16/06/2023 Lượt xem: 2470 In bài viết

ĐBP - Tiêu chí NTM của giai đoạn mới cao hơn là yêu cầu tất yếu của xu thế phát triển, cũng là để khắc phục sự chủ quan, không còn động lực phấn đấu thêm nữa của các xã sau khi đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn NTM. Để tránh tình trạng rớt tiêu chí NTM thì quá trình xây dựng, hoàn thành, các địa phương phải thực hiện một cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm.

Bài 1: Nhiều xã nông thôn mới rớt tiêu chí

Bài 2: Những “căn bệnh” dễ làm rớt hạng nông thôn mới

Để xây dựng NTM bền vững cần xuất phát từ người dân. Trong ảnh: Một góc bản Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ).

Nguy cơ bị thu hồi danh hiệu

Theo Quyết định 372/QĐ-TTg ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, quy định điều kiện công nhận lại xã đạt chuẩn NTM là các xã  NTM phải đảm bảo 100% tiêu chí thực hiện trên địa bàn xã đạt chuẩn theo quy định liên tục trong 5 năm, kể từ ngày có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM của cấp có thẩm quyền. Mới đây nhất là Quyết định 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 ban hành về quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền thu hồi quyết định công nhận xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM khi xã đó có từ 30% - dưới 50% số tiêu chí xã (trong đó có một trong các tiêu chí: Thu nhập; môi trường và an toàn thực phẩm; chất lượng môi trường sống; quốc phòng và an ninh) hoặc có từ 50% số tiêu chí xã trở lên không đáp ứng mức đạt chuẩn theo yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Chiếu theo các quy định trên thì trên địa bàn tỉnh có nhiều xã chưa đáp ứng được yêu cầu và đứng trước nguy cơ bị thu hồi danh hiệu NTM.

Đơn cử, áp dụng bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) giảm 3 tiêu chí so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn, trong đó có tiêu chí thu nhập. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới đạt 36,3 triệu đồng/người/năm, trong khi quy định phải đạt từ 42 triệu đồng trở lên. Tương tự là các xã Thanh Minh, Nà Tấu, Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ); Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở, Mường Thín, Nà Sáy (huyện Tuần Giáo) cũng bị “điểm liệt” tiêu chí thu nhập. Hay xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) đến nay chưa đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm... Nếu xét theo Quyết định 18/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các xã này phải bị thu hồi công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Dù có quy định về việc rà soát, công nhận lại, thu hồi công nhận nhưng từ trước đến nay tỉnh chưa triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu xã nào không đạt quy định sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Để tránh bị thu hồi danh hiệu giai đoạn trước, các xã cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu; trong đó người dân phải thể hiện rõ vai trò chủ thể.

Chủ thể là người dân

Quan điểm của Đảng khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là: Phát huy nội lực là chính và có sự hỗ trợ của nhà nước, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Điều này đồng nghĩa xây dựng NTM phải lấy dân làm gốc, dân làm chủ thể trong toàn bộ quá trình thực hiện.

Điển hình như xã Chà Nưa (huyện Nâm Pồ), áp dụng bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 không bị giảm tiêu chí mà chất lượng một số tiêu chí còn được nâng cao hơn so với giai đoạn trước. Để có được kết quả này xã Chà Nưa đã biết cách phát huy nội lực trong xây dựng NTM, lấy người dân làm gốc, chủ thể. Trong 3 năm xây dựng NTM (2016 - 2018), tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo xã Chà Nưa đã giảm từ 53% xuống 11,41% và hiện nay theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,5% - đây là kết quả ít nơi thực hiện được, ngay cả những xã, phường có điều kiện thuận lợi hơn.

 Ông Lò Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Quan trọng nhất là người dân hiểu, tích cực ủng hộ chương trình. Ví dụ, năm 2022 quá trình xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự, xã đã huy động hơn 1.700 lượt người tham gia, với gần 3.300 ngày công lao động; tháo dỡ chuồng trại chưa hợp vệ sinh ra khỏi bản; lắp đặt hơn 1.500 bóng điện thắp sáng đường đi nội bản; làm 9 căn nhà bằng lá cọ, tranh tre làm điểm nghỉ ngơi.

Không như một số xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì không nỗ lực phấn đấu, có biểu hiện thỏa mãn, thì xã Chà Nưa tiếp tục tìm nhiều hướng đi mới để giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Đến nay, xã đã phát triển, nhân rộng được nhiều mô hình giảm nghèo, như: Mô hình hợp tác xã nuôi ong (sản phẩm mật ong rừng đã được chứng nhận OCOP 3 sao); mô hình trồng bí xanh chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, thì với sự phát triển của xã hội, yêu cầu của tiêu chí NTM sẽ cao hơn trước. Cũng như đời sống của chúng ta luôn phấn đấu ngày một tốt hơn, đặt ra mục tiêu cao hơn, các kế hoạch phát triển đều năm sau cao hơn năm trước. Điều này đòi hỏi quá trình xây dựng NTM phải liên tục, không được ngơi nghỉ, vì cuộc sống của người dân, vì nông thôn ngày một khang trang. Nếu địa phương nào chủ quan, xem nhẹ nhiệm vụ duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sẽ có nguy cơ rớt hạng. Do đó, địa phương luôn đặt nhiệm vụ duy trì và phát triển các tiêu chí NTM lên hàng đầu; đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân sẽ tạo nên sức mạnh giữ vững các tiêu chí NTM.

Cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nên không được chạy theo thành tích, phải tập trung đầu tư đảm bảo chất lượng theo bộ tiêu chí thay đổi trong từng giai đoạn. Xây dựng NTM phải trực tiếp phục vụ người dân, xây dựng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn về vật chất và tinh thần; làm cho người dân thấy yêu nơi mình đang sống.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top