Cảnh giác với chiêu trò xin quyên góp từ thiện để trục lợi

15:48 - Thứ Tư, 26/10/2022 Lượt xem: 9129 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những hành vi lừa đảo bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người để xin quyên góp tiền từ thiện, xin hỗ trợ mai táng, xây dựng trường học, chùa chiền… Từ đó, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm. Đây thực sự là một hành động vô lương tâm, gây bức xúc trong dư luận.

Nhận biết thủ đoạn kêu gọi ủng hộ

Thủ đoạn dễ thấy nhất của các đối tượng khi thực hiện hành vi lừa đảo quyên góp tiền ủng hộ đó là lập ra các trang mạng xã hội. Sau đó, chúng sẽ tự sáng tác ra một câu chuyện đau lòng hoặc một hoàn cảnh đáng thương cần được giúp đỡ. Đính kèm trong các bài viết đăng tải trên mạng xã hội là những tấm hình giả về bệnh nhân, giấy nhập viện, giấy báo phẫu thuật… Bên cạnh đó còn có số tài khoản ngân hàng và số điện thoại của người nhà bệnh nhân. 

Đối tượng mà bọn lừa đảo mang ra để đánh vào lòng thương, lòng trắc ẩn của mọi người thường là những bệnh nhi ung thư, những người có hoàn cảnh đặc biệt thương tâm hoặc kêu gọi chi phí mai táng cho những thai nhi xấu số. Thông thường các trường hợp này đã được viết ở các bài báo, các phương tiện thông tin đại chúng khác từ lâu. Chúng lấy lại thông tin này đăng lên mạng xã hội kèm theo số tài khoản ngân hàng để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ và chiếm đoạt tài sản của nhà hảo tâm.

Thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tiền ủng hộ của nhà hảo tâm. Ảnh: vtv.vn

Một hình thức lừa đảo khác là các đối tượng làm giả các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện đã được cấp phép. Bọn chúng đăng tải các hoàn cảnh cần giúp đỡ lên đây và kêu gọi cộng đồng quyên góp ủng hộ. Nhiều người không biết sẽ dễ dàng bị mắc bẫy lừa đảo. Những trang này có thể thu hút hàng ngàn người theo dõi. Sau khi tiếp nhận tiền ủng hộ, các đối tượng không bàn giao cho người cần giúp đỡ hoặc bàn giao một phần rất nhỏ để che mắt thiên hạ. Số tiền còn lại chúng trục lợi vào mục đích cá nhân.

Tính từ đầu năm 2021, cơ quan công an tại các tỉnh thành đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng có hành vi quản trị các trang facebook, fanpage với danh nghĩa hoạt động từ thiện để chiếm đoạt tài sản của nhà hảo tâm. Điển hình có thể kể đến một số các page như “Hỗ trợ trẻ em”, “Kết nối yêu thương”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ vì người nghèo”… Số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của nhà hảo tâm có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Lực lượng công an cũng đang tăng cường kiểm tra, rà soát để phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội.

Hãy để lòng tốt đặt đúng chỗ

Người dân Việt Nam nổi tiếng với tấm lòng nhân văn và bao dung. Nhiều người sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những hoàn cảnh khó khăn. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã có những hành vi lừa đảo để trục lợi. Chính vì thế, cơ quan công an khuyến cáo tất cả mọi người cần nâng cao cảnh giác trước những lời kêu gọi khẩn cấp xin tiền ủng hộ trên mạng xã hội. Mọi thông tin đăng tải trên mạng xã hội cần được kiểm chứng kỹ càng.

Các nhà hảo tâm nên yêu cầu sự công khai, minh bạch về hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Ngoài ra, nên liên hệ với bệnh viện hoặc chính quyền địa phương để tìm hiểu và xác nhận thông tin. Nếu thấy nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý.

Mặt khác, các nhà hảo tâm nên đóng góp tiền hoặc hiện vật vào các quỹ, chương trình từ thiện của các tổ chức xã hội, đoàn thể uy tín được nhà nước cấp phép. Đây là các đơn vị có người đứng ra chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và kiểm soát nguồn tiền ủng hộ. Như vậy số tiền của nhà hảo tâm mới đến được tận tay người cần giúp đỡ. Người dân cũng không nên quá tin vào các thông tin đăng trên mạng kêu gọi ủng hộ. 

Để tránh bị lừa đảo, nhiều nhà hảo tâm đã tự bỏ thời gian công sức đến tận nơi xác minh, tìm hiểu. Như vậy họ có thể gặp trực tiếp các hoàn cảnh cần giúp đỡ và ủng hộ. Gặp “người thật việc thật” là cách nhiều người đang làm. Việc này có ý nghĩa tích cực, khiến cho những kẻ lợi dụng lòng tốt để lừa đảo không còn đất sống.

Nhiều đối tượng lừa đảo tiền quyên góp từ thiện đã bị cơ quan công an xử lý. Ảnh: vov.vn

Cần minh bạch nguồn ủng hộ

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có quy định cho phép các cá nhân kêu gọi, phân phối và sử dụng nguồn tiền ủng hộ tự nguyện để khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh… Điều này được thể hiện trong Nghị định 93/2021/NĐ-CP. Theo đó, người đứng ra kêu gọi ủng hộ từ thiện cần phải công khai minh bạch mọi vấn đề có liên quan đến công tác này trên các phương tiện thông tin truyền thông như phương thức, hình thức vận động, số tiền, hiện vật tiếp nhận, thời gian phân phối sử dụng… Ngoài ra các thông tin này phải được gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi diễn ra công tác từ thiện.

Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm cũng có quyền yêu cầu sao kê, minh bạch. Nếu người đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ không có sao kê hoặc không làm rõ được các thông tin thì đã vi phạm vào quyền và lợi ích của người đóng góp từ thiện. Vì vậy, các nhà hảo tâm khi làm từ thiện nên giữ lại bằng chứng đã chuyển tiền hoặc hiện vật cho người nhận ủng hộ. Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng điều tra hành vi lừa đảo (nếu có) một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Nghị định 93/2021/NĐ-CP cũng quy định người kêu gọi đóng góp từ thiện không được sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân. Cần phải sử dụng tài khoản ngân hàng riêng cho mỗi cuộc vận động để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ. Điều này góp phần tạo sự minh bạch, rõ ràng trong việc tiếp nhận và phân phối nguồn tiền.

Cho đi là một hành động đẹp. Tuy nhiên, lòng tốt cần được trao gửi đúng chỗ. Nếu không nhiều nhà hảo tâm sẽ bị sập bẫy và bị lợi dụng tình thương để lấy tiền. Khi niềm tin về một xã hội nhân văn đã bị bào mòn thì người thiệt không ai khác chính là những hoàn cảnh khó khăn đang cần được sẻ chia, giúp đỡ.

Bài, ảnh: Mai Ngọc
Bình luận

Tin khác

Back To Top