Ngăn chặn, xử lý nghiêm “giang hồ mạng” biến tướng

16:37 - Thứ Tư, 16/11/2022 Lượt xem: 8940 In bài viết

ĐBP - Sau khi một số đối tượng có hành vi “lộng ngôn” bị cơ quan chức năng xử lý, thời gian gần đây, mạng xã hội (MXH) lại liên tục xuất hiện những “giang hồ mạng” biến tướng. Nghiêm trọng hơn, bên cạnh việc sử dụng MXH (zalo, facebook...) để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, nhiều đối tượng còn bày tỏ quan điểm cá nhân với những lời lẽ mang tính kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Youtube ĐV liên tục chửi mắng “đối thủ” bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hoá trong một clip (ảnh cắt từ video).

Vi phạm pháp luật vì “lộng ngôn”

Theo ghi nhận, những năm gần đây, nhiều phát ngôn phản cảm mang tính chất “bóc phốt”, đả kích, miệt thị, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác bằng những ngôn từ xấu xí, xuất hiện ngày càng nhiều trên MXH. Đáng nói, trong số đó, có nhiều người nổi tiếng (nghệ sĩ, doanh nhân hay những người có tên tuổi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội).

Còn nhớ, vài năm trước, hiện tượng “giang hồ mạng” xuất hiện tràn lan với các chủ tài khoản nổi đình, nổi đám, như: Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền, Phú Lê... Mặc dù trong các clip hoặc livestream của những chủ tài khoản này thường xuyên có những phát ngôn gây sốc, hành động bạo lực, phản cảm, khoe khoang..., tác động tiêu cực không nhỏ đến cách sống, lối ứng xử trong giới trẻ, nhưng đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi (chủ yếu là giới trẻ, trong đó có cả trẻ em).

Liên quan đến những vi phạm pháp luật khác nhau, các “giang hồ mạng” đã lần lượt bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Ngoài Phú Lê, thì trước đó Khá Bảnh cũng bị kết án 10 năm 6 tháng tù về 2 tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Năm 2017, Dương Minh Tuyền bị tuyên phạt 32 tháng tù về các tội gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản... Tuy bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí đã xóa tài khoản MXH nhưng các clip của những “giang hồ mạng” vẫn xuất hiện, lan truyền tại nhiều kênh, trang MXH khác nhau, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Nổi bật, tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà N.P.H. Cơ quan chức năng cũng mở rộng vụ án, làm rõ hành vi đồng phạm của nhiều cá nhân liên quan trong việc giúp sức cho hoạt động của bị can này.

Trước đó, tháng 7/2021, nữ MC T.T.M bị Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP. Hồ Chí Minh xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng khi đăng nội dung có dấu hiệu kích động, gây mâu thuẫn, hoang mang trong nhân dân về lực lượng chống dịch.

Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan, nhảm nhí, độc hại khi làm video “xin vía” từ búp bê, tháng 3/2021, youtuber T.N bị Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bình Dương xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. 

Người dùng MXH còn chưa hết bàng hoàng bởi “trào lưu” bới móc trên MXH, thì gần đây một số người dựa vào việc các đối tượng có hành vi “lộng ngôn” đã bị cơ quan chức năng xử lý, làm video, livestream để quảng cáo, bán hàng... Thậm chí, những người này còn tận dụng triệt để MXH và youtube liên tục làm, phát tán các video chứa nội dung hằn thù cá nhân, đe doạ người khác bằng những lời lẽ  thô tục, thiếu văn hóa. Nghiêm trọng hơn, một số người còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự khi bày tỏ quan điểm của mình về những sự việc khác nhau của đời sống xã hội một cách thái quá. 

Lướt qua những video này, nhiều người dùng MXH dễ dàng nhận ra, với danh nghĩa “phản biện” về các vấn đề, hiện tượng xã hội, một số người không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân khi nhận định, đánh giá về kết quả xử lý các vụ việc mà cơ quan chức năng đang điều tra. Đáng chú ý, bên cạnh việc “bày tỏ quan điểm cá nhân”, không ít cá nhân còn dùng lời lẽ chứa hàm ý lôi kéo, kích động, gây hoang mang dư luận, làm giảm lòng tin của người dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Có thể kể đến một số youtube, như: ĐV, TTH, LP... với các video phản biện được nhiều người “chú ý” bởi nội dung, lời lẽ mang nhiều hàm ý khác nhau. Dù các video này đã được chủ nhân của nó thu hồi, xoá bỏ, nhưng hiện vẫn còn một số video được nhiều tài khoản MXH chia sẻ, lưu giữ. Tài khoản youtube có tên ĐV liên tục chửi mắng “đối thủ” bằng những lời lẽ thô tục, khiến người dùng MXH vô tình lướt qua cũng thấy bức xúc. Youtube ĐV cũng rất “phóng ngôn” khi bày tỏ quan điểm nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong một vụ việc mà cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý, với lời lẽ đầy thách thức, kích động, kêu gọi người dân đứng lên đấu tranh... 

Còn youtube có tên TTH khi nói về một vụ việc đã bị cơ quan chức năng xử lý, thì liên tục “bóc phốt” một người có tên CL nào đó, nhưng lời lẽ lại ẩn chứa hàm ý đầy kích động kiểu “giương Đông, kích Tây”.

Người dùng MXH cũng dễ dàng nhìn thấy sự xuất hiện của các youtube sản xuất, phát tán video có nội dung độc hại, phản cảm, như: Thả dao từ lầu cao xuống đất, xây nhà bằng ống hút nhựa, hành hạ động vật... khiến dư luận và cộng đồng mạng lo ngại.

Nói về hiện tượng này, nhiều người cho rằng, các sự việc trên không chỉ gây ra những hệ lụy tiêu cực trên môi trường mạng, mà còn làm rối ren, hỗn loạn xã hội, nhất là trong các thời điểm xảy ra thiên tai, dịch họa căng thẳng.

Cần xử lý nghiêm khắc

Phân tích của các chuyên gia cho thấy, nhìn từ góc độ xã hội, nền tảng của “giang hồ mạng” hoạt động là nhờ các MXH. Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi, quan điểm xấu lan truyền vào đời sống giới trẻ, cơ quan chức năng có thể phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ MXH để quản lý, gỡ bỏ, ngăn chặn ngay từ đầu những thông tin độc hại. Bên cạnh việc ngăn chặn, xử lý “giang hồ mạng” nổi cộm, cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác quản lý, xử lý các youtube sản xuất, phát tán video có nội dung độc hại ngay từ khi mới nhen nhóm, thay vì để nó lan truyền trên MXH rồi mới tìm cách xử lý kiểu vuốt đuôi, vừa tốn công sức mà không hiệu quả.

Nói về sự tác động của hiện tượng “giang hồ mạng” biến tướng, ông Cháng A Chua, ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), bày tỏ: “Các clip đều chứa rất nhiều ngôn từ mang tính dọa dẫm, kích động, bạo lực... thể hiện lối sống bất cần đời. Nội dung của phần lớn các clip là bạo lực, khoe khoang... làm không ít người trẻ, nhất là trẻ em ngộ nhận về sự mạnh mẽ, khiến suy nghĩ, hành động lệch lạc rất nguy hiểm...”.

Quá trình khảo sát, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng bởi các “giang hồ mạng” đã ảnh hưởng tiêu cực đến cách hành xử, thái độ của giới trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên khi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Anh Phạm Hồng Thái, ở phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), cho biết: Những năm trước, cháu trai của anh thường xuyên xem và chia sẻ clip của các “giang hồ mạng” với sự ngưỡng mộ và bày tỏ mong muốn được “giống” một người như vậy. Gia đình và người thân đã dùng nhiều cách để ngăn cản, nhưng cũng không quản lý được. Chỉ đến khi cơ quan chức năng xử lý những “người hùng” này, cháu anh mới thay đổi nhận thức.

Cùng chung nỗi lo của anh Thái, ông Chu Văn Kiên, ở phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), chia sẻ: “Không chỉ chửi bới, xúc phạm và doạ dẫm nhau trên mạng xã hội, mà những đối tượng “giang hồ mạng” còn lôi kéo, kích động. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp và kịp thời ngăn chặn, xử lý, các clip này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa...”.

Theo nhiều chuyên gia, MXH tuy là môi trường ảo, nhưng cũng có những quy định pháp lý cụ thể và mọi công dân khi sử dụng MXH đều phải có nghĩa vụ tuân thủ. Quyền tự do ngôn luận cũng bị giới hạn bởi quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, cá nhân có hành vi đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên MXH đều bị xử lý về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Việc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định cụ thể, chi tiết tội vu khống. 

Tại khoản 1, Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng thì chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, mọi tài khoản MXH, mọi hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng trên không gian mạng đều đang được lực lượng công an rà soát. Những đối tượng, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có những hình thức xử lý nghiêm minh theo đúng quy định.

Có thể thấy, việc phát ngôn phản cảm, livestream với lời lẽ thô tục hay quảng cáo sản phẩm kém chất lượng… trên MXH là chuỗi sự việc phản ánh lỗ hổng trong nhận thức của nhiều người nổi tiếng cũng như hạn chế về kiến thức pháp luật của một bộ phận nhỏ công dân hiện nay. 

Việc các “giang hồ mạng” biến tướng làm, phát tán những video có nội dung không lành mạnh với lời lẽ thô tục, vô văn hoá hay lôi kéo, kích động, gây rối tình hình và mất an ninh trật tự, cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật.

Bài, ảnh: Hà Khánh
Bình luận

Tin khác

Back To Top