Các trinh sát phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã xác minh, bắt giữ kẻ cầm đầu là Lê Thanh Liêm (SN 1978, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh).
Trinh sát N.T kể lại: Suốt thời gian dài đeo bám, trinh sát mới nắm được tung tích của kẻ cầm đầu. Đối tượng di chuyển nhiều tỉnh, thành phía Nam như, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai… để chiêu nạp “đàn em”. Liêm luôn xuất hiện với bề ngoài chỉn chu như một doanh nhân thành đạt. Đáng lưu ý, Liêm không trực tiếp tiêu thụ tiền giả mà giao cho các đối tượng khác phân nhỏ nguồn tiền nước ngoài giả để đem tiêu thụ trên địa bàn. Có thời điểm, phát hiện hoạt động phi pháp có dấu hiệu lộ nên Liêm cũng yêu cầu các “đàn em” thận trọng trong việc tiêu thụ nguồn tiền nước ngoài giả.
Quá trình thu thập tại liệu chứng cứ, kết hợp cùng lời khai của nạn nhân là chủ tiệm vàng ở thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu (Tây Ninh), phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đủ cơ sở xác định nhóm Liêm sản xuất, tàng trữ và lưu hành tiền nước ngoài giả quy mô lớn. Trong các đàn em, Nguyễn Hoàng Minh Đức (SN 1964, ngụ thôn 5, xã Đoàn Kết, TP Kom Tum, tỉnh Kom Tum) đã hỗ trợ tích cực Liêm gây án.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến trung tuần tháng 7/2023, phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã lần lượt bắt giữ Đức và Liêm. Công an thu giữ tang vật, gồm: 250 triệu đồng, 1.800 USD, 1.503 tờ 500 Euro giả, 2 điện thoại di động, 1 xe môtô, 26 thiết bị điện tử, đồ vật, vật tư các loại dùng để sản xuất tiền giả (máy vi tính, laptop, ổ cứng, đèn soi tiền giả, máy pho_tocoppy, máy in màu, máy cán màng, máy scan, máy ép nhiệt, máy đếm tiền, kính lúp, cân tiểu liên…), 70 thùng, hộp các loại chứa các loại giấy ngoại tệ của Mỹ, Iraq, Zimbabwe, Hồng Kông và Triều Tiên.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Vào năm 2017, trong quá trình làm dịch vụ mua bán bất động sản trên địa bàn Hồ Chí Minh, Liêm quen biết một số đối tượng làm môi giới mua bán các loại tiền cổ, đồ vật có xuất xứ từ nước ngoài, như: Mỹ, Hồng Kông, Iraq... Những món đồ này được gọi là vật, tiền “bảo chứng”, “công cụ tài chính”, nên Liêm tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực này. Sau đó, Liêm biết rằng, nguồn gốc các đồ vật, tiền cổ đều được làm giả từ Trung Quốc. Đến năm 2019, Liêm bắt đầu làm giả các loại tiền cổ như, 1.000.000 USD ghi niên đại 1928, 1934, 100 triệu tỷ Zimbabwe, 25.000 Dinars… nhằm mục đích bán hình ảnh, video từ các đồ vật, tiền cổ cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu với số tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng/lần chụp, quay phim.
Đến tháng 3/2023, Liêm gặp Đức và được Đức đặt vấn đề mua loại tiền này. Do vậy, Liêm lên trang mạng xã hội bán hàng trực tuyến tìm mua tờ tiền mẫu 500 Euro giống tiền thật nhất để nghiên cứu làm giả. Trong tháng 4/2023, bằng các kỹ thuật của mình, Liêm đã trực tiếp làm được rất nhiều tờ tiền mệnh giá 500 Euro giả, rồi mang bán cho Đức 7 tờ với giá 3 triệu đồng/tờ. Tiếp đó, Đức mang 7 tờ tiền giả này liên hệ và bán lại cho Mai Văn Hưng (SN 1968, ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) với giá 10 triệu đồng/tờ.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Hưng “nhờ” Võ Văn Quy, (SN 1967, ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu), Lưu Thanh Ngọc (SN 1972, ngụ khu phố Trung Tâm, phường Xuân Lập, TP Long Khánh, Đồng Nai) và Tăng Thanh Hồ (SN 1983, ngụ thôn Đoàn, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) mang tiền giả tiêu thụ ở một tiệm vàng thuộc thị trấn Tân Châu, được 74.500.000đ. Sau đó, chủ tiệm vàng trên phát hiện tiền nước ngoài giả nên trình báo cơ quan Công an.