Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương vừa có cáo trạng truy tố đối với 17 bị can trong vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép", "đưa hối lộ" và "nhận hối lộ". Trong số này có Lê Minh Quốc Cường, cựu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương.
Đây là vụ án được người dân rất quan tâm. Bên cạnh những cán bộ thoái hóa nhận hàng tỷ đồng để "bôi trơn" hàng ngàn hồ sơ cấp giấy phép lao động (GPLĐ) cho người nước ngoài (NNN) trái pháp luật, còn có những cán bộ lãnh đạo chỉ vì nể nang, vì chạy theo thành tích mà phạm tội…
Trong vụ án này, Vũ Hoài Thanh (SN 1997; ngụ TP Hồ Chí Minh) được xác định là "nhân vật chính" trong việc đưa hối lộ và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Từ năm 2019 đến tháng 3/2022, Thanh thỏa thuận với Phạm Trường Tú Trinh và nhiều đối tượng môi giới khác để làm GPLĐ cho 1.862 NNN tại 355 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Mặc dù những NNN này hồ sơ còn thiếu phiếu lý lịch tư pháp; văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật và giấy khám sức khỏe nhưng Thanh vẫn nhận để làm với chi phí dao động từ 5-9 triệu đồng/hồ sơ. Sau đó Thanh lên mạng đặt làm con dấu giả của các phòng tư pháp, bệnh viện; lưu các mẫu phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe từ các hồ sơ đã được cấp GPLĐ có ở trên mạng rồi lưu về máy tính, chỉnh sửa lại thông tin và đóng dấu. Với những bộ hồ sơ vừa giả vừa thật như vậy, nếu cơ quan chức năng thẩm định chắc chắn sẽ phát hiện nên Thanh đã chủ động lên kế hoạch đưa hối lộ để được phê duyệt hồ sơ.
Từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2022, Thanh giao cho Nguyễn Xuân Lâm nộp 1.055 hồ sơ cho chuyên viên bộ phận một cửa của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương và chi hơn 140 triệu đồng tiền bồi dưỡng. Sau đó Thanh móc nối với Nguyễn Kiên Cường, chuyên viên Phòng Chính sách lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương và đề nghị chi từ 3-6 triệu đồng/hồ sơ. Cường đồng ý không do dự và làm theo kế hoạch đã bàn bạc. Sau khi nhận 1.055 GPLĐ Thanh đưa hối lộ cho Cường hơn 4,4 tỷ đồng. Thanh khai, sau khi trừ hết chi phí làm giả hồ sơ, đưa hối lộ, Thanh hưởng lợi từ 400-600 ngàn đồng/hồ sơ. Tổng số tiền mà Thanh thu lợi bất chính 422 triệu đồng.
Cùng thời điểm, Vũ Hoài Thanh giao cho Nguyễn Xuân Lâm nộp 647 hồ sơ cho chuyên viên bộ phận một cửa thuộc Ban Quản lý các KCN Bình Dương và chi bồi dưỡng hơn 91 triệu đồng. Sau đó Vũ Hoài Thanh thỏa thuận đưa hối lộ cho Hoàng Thanh, Trưởng phòng Quản lý lao động từ 3- 3,5 triệu đồng/hồ sơ. Hoàng Thanh sốt sắng nhận lời và khi hoàn thành công việc đã đút túi hơn 1,5 tỷ đồng. Riêng Vũ Hoài Thanh thu lợi bất chính 233,5 triệu đồng. Vũ Hoài Thanh cũng mua chuộc Đinh Thái Tuấn, Phó phòng Quản lý đầu tư - doanh nghiệp - lao động thuộc Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước với số tiền 751 triệu đồng cho 278 GPLĐ.
Một nhánh khác của đường dây này là nhóm đối tượng Sẳm Nhịt Sau, Trần Mai Hồng, Quảng Thành Thao và Nguyễn Đức Thành đã nhận làm GPLĐ cho 619 NNN tại 113 doanh nghiệp với chi phí hơn 3,7 tỷ đồng. Cũng giống như Vũ Hoài Thanh, sau khi nộp hồ sơ Sẳm Nhịt Sau đã liên hệ với Nguyễn Kiên Cường và thỏa thuận đưa hối lộ 3 triệu đồng/hồ sơ. Sau khi thực hiện xong Nguyễn Kiên Cường "ẵm" gọn hơn 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra Nguyễn Kiên Cường còn nhận của Trần Mai Hồng hơn 2 tỷ đồng để phù phép cho 626 hồ sơ.
Nguyễn Kiên Cường khai, để các hồ sơ trên được lãnh đạo sở phê duyệt, Cường thông qua một lãnh đạo của phòng mình để gửi tặng quà biếu và số tiền 150 triệu đồng cho Lê Minh Quốc Cường là Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên Lê Minh Quốc Cường khẳng định không hề nhận quà biếu, tiền bạc như Nguyễn Kiên Cường đã khai. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến tháng 3/2022, Lê Minh Quốc Cường đã duyệt ký 518 hồ sơ cho NNN tại 163 doanh nghiệp. Kết quả điều tra xác định, có 4 doanh nghiệp không hoạt động trên thực tế nhưng đã bảo lãnh cấp GPLĐ cho 34 NNN. Lê Minh Quốc Cường khai, biết rõ việc cấp 518 GPLĐ như trên là trái quy định nhưng do nể nang cấp dưới và chạy theo thành tích cá nhân, tập thể mà phạm sai lầm.
Có 3 cựu Phó ban Quản lý các KCN Bình Dương là Nguyễn Thành Trung, Đặng Quang Việt và Nguyễn Thanh Nhàn lần lượt giữ chức vụ này trong khoảng thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2022. Cả 3 bị can được xác định ký duyệt 467 GPLĐ trái quy định nhưng nguyên nhân phạm tội là do chạy theo thành tích thi đua của tập thể và cá nhân trong giải quyết nhanh thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm được giải quyết cấp GPLĐ chứ không nhận tiền hối lộ theo lời khai của các đối tượng khác.