Ðột phá trong cải cách tư pháp

09:52 - Thứ Hai, 16/10/2023 Lượt xem: 6150 In bài viết

ĐBP - Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án nhân dân, đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Quang cảnh phiên tòa xét xử trực tuyến bị cáo tham gia tại Trại giam C10, huyện Ðiện Biên.

Ông Phan Văn Khanh, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xét xử là vấn đề cấp bách đặt ra sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tăng khả năng tiếp cận công lý, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án nhanh hơn.

Ðối với các vụ án hình sự, việc xét xử trực tuyến vừa đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết các vụ án (đối với vụ án có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa). Việc các bị cáo có thể tham dự phiên tòa tại điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ mà không cần phải áp giải đến tòa án đã giúp tiết kiệm được chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa. Ðối với các vụ án hành chính, dân sự, xét xử trực tuyến giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhiều vụ án đã sắp hết thời hạn nhưng không thể đưa ra xét xử do không triệu tập được đầy đủ đương sự, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; tiết kiệm được chi phí cho đương sự khi phải trực tiếp đến tòa án tham dự phiên tòa.

Những vụ án được tổ chức xét xử theo hình thức trực tuyến là những vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Một số vụ án không được tổ chức phiên tòa trực tuyến như: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp đã tổ chức thành công 52 phiên tòa trực tuyến. Thực tiễn xét xử cho thấy, tại phiên tòa trực tuyến, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm. Mọi hoạt động như xem xét chứng cứ, tài liệu, xét hỏi, tranh luận... đều được thực hiện trực tuyến qua thiết bị kết nối mạng và phần mềm cần thiết để thực hiện công tác xét xử. Người tham gia xét xử trực tuyến có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng. Công tác phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan công an trong việc thực hành quyền công tố và bảo vệ phiên tòa cũng được đặc biệt chú trọng.

Nói về hiệu quả, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác xét xử trực tuyến, ông Phan Văn Kỷ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chia sẻ:   Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ các thủ tục của một phiên tòa theo quy định; bị cáo, bị hại phải có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử. Trong quá trình tổ chức xét xử vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đã tiết kiệm được chi phí, thời gian cho công tác tổ chức, khắc phục hạn chế về mặt địa lý; giảm tốn kém cho người liên quan, nhất là người ở xa.

Bên cạnh những thuận lợi, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng còn những khó khăn, bởi đây là mô hình mới nên việc thông tin, truyền tải cho đương sự hiểu và cùng thực hiện với tòa đôi lúc còn bỡ ngỡ. Ngoài ra, hạn chế về trang thiết bị cũng ảnh hưởng lớn đến công tác xét xử trực tuyến.

Ông Phan Văn Khanh, Chánh án TAND tỉnh khẳng định: Việc tổ chức phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong tiến trình cải cách tư pháp. Tuy nhiên, các đơn vị tòa án trong tỉnh hiện nay còn gặp khó khăn trong công tác tổ chức xét xử trực tuyến đó là phần lớn thiết bị được tận dụng từ phòng xét xử trực tiếp, chuyển đổi công năng để tổ chức xét xử trực tuyến nên đôi lúc chất lượng đường truyền, âm thanh, hình ảnh còn hạn chế. Ðể tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến, các đơn vị tòa án cần được cấp có thẩm quyền đầu tư nguồn kinh phí trang bị thiết bị chuyên dùng cho phiên tòa xét xử trực tuyến”.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top