Giải pháp nào để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến đang biến hóa khôn lường?

Bán, cho thuê tài khoản ngân hàng tiếp tay cho tội phạm mạng (Bài 2)

14:53 - Thứ Năm, 07/12/2023 Lượt xem: 4095 In bài viết

Trong tất cả các hình thức lừa đảo tài chính trên mạng, mọi mánh khóe, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo đều nhắm đến một mục đích duy nhất đó là nạn nhân sẽ chuyển tiền đến một tài khoản ngân hàng nào đó. Nói một cách khác, mọi con đường lừa đảo đều dẫn tới thâm nhập tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, các vụ việc liên quan đến lừa đảo trực tuyến, cơ quan Công an đã phát hiện rất nhiều học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp, ít hiểu biết về pháp luật đã vô tình tiếp tay khi bán hoặc cho thuê tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo sử dụng chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình truy vết, xử lý vụ việc cũng như bảo vệ nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến.

Giao dịch số tiền khổng lồ từ các tài khoản được mua – bán

Theo cơ quan Công an, thời gian gần đây, việc mua bán tài khoản ngân hàng đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều tài khoản sau khi được các đối tượng bán lại sẽ được sử dụng vào những mục đích không rõ ràng, vi phạm pháp luật như việc chuyển và rút tiền trong những vụ án lừa đảo, sử dụng SIM rác để đăng nhập Internet banking, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác để chiếm đoạt tiền, tổ chức đánh bạc trên mạng Internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và rửa tiền, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chip tại quầy giao dịch của ngân hàng góp phần phòng ngừa tội phạm lừa đảo. Ảnh minh họa

Điển hình như cuối tháng 8/2023, Công an TP Đà Nẵng đã đấu tranh triệt phá hai đường dây mua bán tài khoản trái phép hơn 30.000 tài khoản ngân hàng, ví điện tử, xác định nhiều đối tượng có liên quan. Cụ thể, tại căn hộ 1204 nhà CT1 chung cư The OriGarden (Đà Nẵng), lực lượng Công an bắt quả tang một nhóm gồm 6 đối tượng do Nguyễn Văn Hiếu (SN 1993, trú xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cầm đầu đang thực hiện hành vi sử dụng trái phép thông tin về căn cước công dân của nhiều người khác để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến trên mạng Internet để bán lại thu lợi bất chính.

Cơ quan Công an thu giữ một số thiết bị điện tử được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Hiếu khai nhận, từ tháng 6/2023, y đã thuê 5 đối tượng bao ăn ở, trả lương theo tháng để thực hiện các hành vi phạm tội trên không gian mạng do Hiếu yêu cầu. Nguyễn Văn Hiếu đã sử dụng tài khoản Telegram để mua khoảng 10.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân từ các đối tượng khác trên mạng xã hội (gồm mặt trước, mặt sau CCCD và ảnh chụp khuôn mặt) cùng gần 7.500 thẻ sim kích hoạt sẵn. Sau đó, Hiếu đưa bộ thông tin cá nhân và sim này cho các đối tượng trong nhóm để mở ví điện tử và tài khoản trực tuyến của ngân hàng BIDV. Đến khi bị cơ quan Công an phát hiện, nhóm của Hiếu đăng ký được khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử các loại để bán lại cho các đối tượng sử dụng vào mục đích bất chính.

Cùng thời điểm trên, tại căn hộ 11A14 nhà CT2 chung cư The OriGarden, lực lượng Công an bắt quả tang một nhóm gồm 5 đối tượng do Phan Văn Luân (SN 1997, trú xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cầm đầu đang thực hiện hành vi tương tự. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ khoảng tháng 6/2023 đến nay, Luân đã mua khoảng 8.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân và thuê theo tuần 4.000 thẻ sim kích hoạt sẵn. Sau đó, Luân đưa bộ hồ sơ thông tin cá nhân và sim cho các đối tượng để mở tài khoản trực tuyến của ngân hàng SeABank và ví điện tử các loại. Đến khi bị cơ quan Công an phát hiện, nhóm của Luân đã đăng ký được khoảng 13.000 tài khoản ngân hàng và các ví điện tử.

Hay như hồi tháng 10/2023, Lê Trần Phương Duy, 35 tuổi (Cà Mau) bị cáo buộc mua gần 100 tài khoản ngân hàng với giá 2,5 triệu đồng mỗi tài khoản, bán lại giá 3 triệu đồng. Ngày 10/10, Duy bị Công an tỉnh Cà Mau khởi tố về tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai trái phép hóa thông tin về tài khoản ngân hàng. Trước đó, cuối năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triệt phá thành công chuyên án tội phạm công nghệ cao thu thập, tàng trữ, mua bán tài khoản ngân hàng, trong đó, khởi tố 4 đối tượng Nguyễn Xuân Minh Tuấn (1997), Nguyễn Xuân Minh Vũ (SN 2001), cùng trú huyện Phong Điền; Nguyễn Hồ Quỳnh Uyên (SN 1992) và Nguyễn Thị Minh Nhật (SN 1990), đều trú tại TP Huế. Được biết, để điều hành và hoạt động, các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với bạn bè, người thân, sinh viên để đặt vấn đề về việc mở tài khoản ngân hàng, sau đó cho thuê lại và nhận hoa hồng 1 triệu đồng/tài khoản và chuyển thông tin tài khoản cho các đối tượng trú tại Singapore. Đối với các số điện thoại sử dụng đã đăng ký tài khoản sẽ được các đối tượng chuyển sang một địa chỉ khác tại Philippines. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, từ tháng 6/2021 đến đầu tháng 10/2022, các đối tượng đã tiếp xúc hơn 30 đối tượng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam để mở và thuê lại gần 200 tài khoản ngân hàng, thu lợi khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng thông qua việc thanh toán tiền thuê tài khoản cho các đối tượng mở đã thu lợi số tiền hơn 1,6 tỷ đồng…

Công an TP Đà Nẵng bắt đối tượng trong đường dây mua bán tài khoản ngân hàng online.

Làm sạch dữ liệu, quét tài khoản rác

Trên thực tế, hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên quan đến lừa đảo, gian lận, đánh bạc… ngày càng phát triển, nhất là thông qua không gian mạng. Các đối tượng mua - thuê tài khoản sẽ trả cho chủ tài khoản khoảng 500.000 đồng/tài khoản/tháng, và sẽ trả thêm tiền nếu có người chuyển tiền vào và chủ tài khoản rút tiền cho bọn chúng. Có những đối tượng chủ động phạm tội, nhưng cũng có những người dân chỉ vì hám lợi từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, nhiều người đã bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng mà không biết mình đang tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo thu gom thuê, mượn tài khoản để sử dụng vào các mục đích phi pháp, vi phạm pháp luật.

Theo đại diện Ngân hàng Vietcombank, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan Công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm nhận tiền lừa đảo, gian lận, rửa tiền; chuyển nhận tiền đánh bạc; tài trợ khủng bố hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

“Để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tránh việc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, Vietcombank khuyến cáo tới khách hàng không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân; không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng, số thẻ tín dụng, ví điện tử và mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào”, đại diện Vietcombank khuyến cáo.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: Hầu hết các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này. Phần lớn các giao dịch mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hiện nay là mua bán thông tin tài khoản thanh toán. Do đặc thù tài khoản thanh toán có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển - nhận tiền để thực hiện những hoạt động phi pháp.

Để đối phó với tội phạm mua bán tài khoản, ngành ngân hàng đang ráo riết thực hiện một số biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn. Hiện nay, nan giải nhất là nạn cho thuê, cho mượn tài khoản để nhận tiền lừa đảo, sau đó kẻ lừa đảo chuyển tiền đi lòng vòng qua nhiều tài khoản để chiếm đoạt. Như vậy, các ngân hàng phải làm sao chứng minh được người dùng là chính chủ vì hành vi lừa đảo chưa xảy ra khi mở mà chỉ xảy ra khi sử dụng tài khoản.

Theo thống kê, 90% giao dịch liên ngân hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng, chỉ có 10% là giao dịch trên 2 triệu đồng. Tội phạm thường chỉ lừa tiền trăm triệu, tiền tỉ. Như vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thể đặt ngưỡng 5 triệu, 10 triệu đồng trở lên phải xác minh chính chủ. Quá trình này chỉ mất 5-10 giây, hoàn toàn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng nhưng đảm bảo chính chủ, đúng theo quy định thông tư 23. Nếu xác minh không đúng chính chủ, ngân hàng có quyền tạm dừng giao dịch và yêu cầu xác thực tại quầy.

Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, một giải pháp quan trọng nhất đó là làm sạch dữ liệu trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Hiện NHNN đã kết nối với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để định danh chính xác từ số CMND cũ sang CCCD mới, làm sao đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Song song đó, các ngân hàng cũng phối hợp với cơ quan Công an để rà soát lại dữ liệu. Đây chính là cơ hội để ngành ngân hàng làm sạch dữ liệu của mình. Đảm bảo đúng nhân thân là bước đầu tiên, tiếp đến là đối chiếu xem người mở và người dùng tài khoản có khớp không.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cũng cho biết: Bộ Công an đã hoàn thành việc xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 104 triệu dữ liệu công dân Việt Nam đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt “đúng - đủ - sạch - sống”. Bộ Công an đã phối hợp với NHNN tập trung làm sạch dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và các ngân hàng. Quá trình làm sạch nhằm bảo đảm 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cũng theo Đại tá Tấn, một giải pháp quan trọng mà Cục đang phối hợp với các ngân hàng là tổ chức đào tạo kỹ năng nhận biết giấy tờ tùy thân thật/giả cho các nhân viên nhằm giảm thiểu rủi ro khi giao dịch tại các quầy chưa áp dụng công nghệ xác minh danh tính công dân. Hiện, một số ngân hàng đã áp dụng công nghệ xác minh danh tính công dân tại quầy.

Theo ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng giám đốc Agribank, ngân hàng đã kết nối dữ liệu và đang triển khai áp dụng công nghệ xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chip tại quầy. Khi đến giao dịch, khách hàng chỉ cần mang CCCD gắn chip để thiết bị của ngân hàng đọc và xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Những lần giao dịch tiếp theo, khách hàng không phải mang bất cứ giấy tờ gì mà thiết bị của Agribank sẽ nhận diện qua khuôn mặt và vân tay.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top