Tràn lan hoạt động mua bán thiết bị công nghệ xâm phạm đời tư

09:49 - Thứ Hai, 04/03/2024 Lượt xem: 5053 In bài viết

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc mua bán hàng hóa, nhất là các sản phẩm công nghệ trở nên dễ dàng và thuận tiện. Thiết bị nghe lén, quay trộm, định vị là những sản phẩm kinh doanh có điều kiện và chỉ dùng cho các cơ quan chuyên trách, nhưng hiện nay trên internet, mạng xã hội, cửa hàng điện tử-viễn thông, các thiết bị công nghệ có khả năng xâm phạm đời tư của người khác có thể dễ dàng mua bán, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc..., cần bị xử lý nghiêm.

Dễ dàng tìm mua các loại thiết bị công nghệ trên mạng xã hội. (Ảnh TUỆ NGHI)

Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định các loại thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình chỉ được bán cho các cơ quan chuyên trách phục vụ bảo vệ an ninh và điều tra hình sự gồm: Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Việc kinh doanh các sản phẩm này còn được quy định chặt chẽ như hằng quý phải gửi báo cáo, kèm theo thống kê danh sách cơ quan đã mua thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gửi cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Khi sản phẩm bị hư hỏng phải tổ chức tiêu hủy.

Thế nhưng, trên thực tế, bất cứ ai có nhu cầu cũng có thể mua các sản phẩm này một cách dễ dàng với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Chỉ cần vào các trang mạng, tìm kiếm các từ khóa "Thiết bị phá sóng", "Thiết bị gây nhiễu", "Thiết bị gây nhiễu Bluetooth và Wifi", "Camera siêu nhỏ giấu kín", "Định vị mini, máy ghi âm", "Thiết bị định vị nghe lén"... sẽ cho kết quả là hàng loạt các trang web, các hội nhóm, sàn thương mại điện tử bày bán các sản phẩm với đủ mức giá. Thực trạng này đã được cảnh báo nhiều năm qua nhưng vẫn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý nghiêm. Cách đây không lâu, chị Nguyễn K.H (huyện Đông Anh, Hà Nội) lên mạng tìm hiểu để mua thiết bị định vị thì nhận được tin nhắn của một người trên mạng xã hội Zalo có tên Dinh Dung chào bán các thiết bị nghe lén. Người này quảng cáo cho chị H về những sản phẩm như, máy nghe lén, chíp xác định vị trí, thiết bị quay trộm siêu nhỏ. Chị H tò mò hỏi thì được giới thiệu, các thiết bị này được ngụy trang giống những chiếc cúc áo, đồng hồ đeo tay, sạc pin dự phòng… nhưng bên trong giấu những chiếc camera rất nhỏ hoặc máy ghi âm. Giá sản phẩm giao động từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng một sản phẩm. Người này giới thiệu cho chị H một thiết bị được quảng cáo là nhỏ gọn và "siêu hiện đại", chuyên dùng để nghe lén điện thoại, chỉ cần lắp sim di động rồi gọi vào số vừa lắp và đặt gần vị trí người gọi điện thoại là có thể nghe được toàn bộ cuộc nói chuyện, với giá 2,5 triệu đồng. Vì là lần đầu tìm mua loại thiết bị này, nên chị H hỏi về việc nghe lén như thế có vi phạm pháp luật hay không, thì người này trả lời: "Các thiết bị này vẫn được dùng rất nhiều. Nhiều anh, chị "quan tâm" người thân của mình vẫn thường xuyên mua để sử dụng. Chị cứ dùng kín đáo, đừng để bị phát hiện là được. Một số ngành, nghề họ vẫn phải dùng máy nghe lén, quay lén phục vụ cho công việc của mình, bên em đã bán nhiều rồi".

Ngoài các thiết bị an ninh bị cấm lưu hành trên thị trường thì các sản phẩm phần mềm theo dõi điện thoại cũng được giới thiệu. Những phần mềm này thường có dung lượng nhẹ, cho nên có thể cài đặt nhanh, dễ dàng trên điện thoại mục tiêu chỉ với những thao tác đơn giản chạy ẩn trên chính chiếc điện thoại của đối tượng bị theo dõi. Giá các phần mềm nghe lén này không hề rẻ (từ vài triệu đến cả chục triệu đồng).

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù điều kiện kinh doanh các loại thiết bị, phần mềm này được quy định chặt chẽ, nhưng hiện nay chúng vẫn được bày bán công khai, tràn lan. Người có nhu cầu có thể dễ dàng mua các loại thiết bị này trên internet, mạng xã hội, cửa hàng điện tử và thậm chí một số trang thương mại điện tử nổi tiếng. Trên sàn thương mại điện tử Lazada, chỉ cần gõ: "bút ghi âm", "thiết bị nghe lén từ xa", "camera quay lén siêu nhỏ", "camera ngụy trang cúc áo", "chip định vị siêu nhỏ"… sẽ có hàng nghìn sản phẩm được rao bán. Khi trao đổi về về vấn đề này, nhiều người cho biết, bản thân mình luôn gặp cảm giác có thể bị xâm phạm đời tư bất cứ lúc nào và niềm tin trong gia đình, giữa vợ/chồng, bạn bè, đối tác… có thể bị sứt mẻ vì những loại thiết bị như vậy.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã xử lý một số vụ việc rao bán thiết bị nghe lén, quay trộm trái pháp luật. Tuy nhiên, so với việc mua bán tràn lan các thiết bị xâm phạm đời tư như hiện nay thì số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý không nhiều. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý đối với hành vi vi phạm này, nhất là kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Nếu dễ dãi trong công tác quản lý, e rằng việc dễ dàng sở hữu thiết bị xâm phạm đời tư sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội.

Luật Viễn thông năm 2009 có quy định việc thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin điện thoại của người khác là một hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông. Do đó, mọi hành vi sử dụng các thiết bị hay phần mềm chuyên dụng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của người khác, nhằm mục đích kiểm soát, theo dõi, đánh cắp thông tin... có dấu hiệu của tội phạm theo Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Ðiều 288, Bộ luật này cũng quy định về tội sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, tùy theo mức độ phạm tội, có thể chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top