Cục CSGT thông tin việc không quy định hình thức giám sát CSGT qua ghi âm, ghi hình

09:51 - Thứ Tư, 09/10/2024 Lượt xem: 3907 In bài viết

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Nhiều trường hợp lợi dụng để gây rối, gây khó khăn

Theo đó, Thông tư số 46/2024/TT-BCA đã sửa đổi, bổ sung Điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA. Cụ thể, theo Thông tư số 46/2024/TT-BCA, nhân dân được giám sát CAND trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông qua các hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với các bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Như vậy, so với Thông tư số 67/2019/BCA, Thông tư số 46/2024/TT-BCA đã không quy định hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của lực lượng CSGT nhằm mục đích quấy rối. Ảnh minh họa

Trả lời về lý do không quy định hình thức giám sát này, theođại diện Cục CSGT, Bộ Công an, thời gian qua, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định. Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sỹ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Khi những hình ảnh đăng tải được gỡ bỏ và xử lý người vi phạm nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sỹ CSGT.

Việc không quy định hình thức giám sát của nhân dân thông qua ghi âm, ghi hình phù hợp với quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bộ Công an sẽ đưa nội dung quy định Công an các đơn vị, địa phương sẽ bố trí khu vực làm việc, tổ chức ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng CSGT vào thông tư quy định nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đường bộ để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, trường hợp người dân vẫn sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của CSGT thì phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và không gây ảnh hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT.

Bãi bỏ công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát

Thông tư số 46/2024/TT-BCA đã bãi bỏ điểm d khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số 67/2019/TT-BCA liên quan đến các nội dung công khai của CAND trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Cụ thể, bãi bỏ việc công khai nội dung kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính. Bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu CAND của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe trong công tác đăng ký, cấp biển số xe. Bãi bỏ công khai trang phục, số hiệu CAND và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.

Theo Cục CSGT, hoạt động của lực lượng CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng. Tại thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (có hiệu lực thi hành ngày 15/9/2023, thay thế Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2023), trong đó bãi bỏ nội dung thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát quy định tại Thông tư số 65/2020/TT-BCA; Thông tư số 36/2023/TT-BCA ngày 2/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy tại khoản 2 Điều 5 quy định “Nội dung Kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên đường thủy được quản lý theo chế độ tài liệu mật”.

Thực tiễn quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT, nhiều người dân đã yêu cầu lực lượng CSGT xuất trình kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.

Thông tư số 46/2024/TT-BCA cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 Thông tư số 67/2019/TT-BCA với nội dung “Dây căng là dây có nền màu đỏ, viền màu vàng, chiều rộng từ 5cm đến 10cm; trên dây có in dòng chữ “HÀNG RÀO CẢNH SÁT. CẤM VƯỢT QUA- POLICE LINE. DO NOT CROSS” màu vàng có phản quang. Theo Cục CSGT, dòng chữ trên dây căng quy định tại Thông tư số 67/2019/TT-BCA là "KHU VỰC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG". Qua thực tiễn và nghiên cứu cho thấy dòng chữ in trên dây không phù hợp vì mục đích của dây căng dùng để giới hạn khu vực cho lực lượng thực thi công vụ làm nhiệm vụ, không phải giới hạn khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Việc sửa đổi thành "HÀNG RÀO CẢNH SÁT. CẤM VƯỢT QUA - POLICE LINE. DO NOT CROSS" để chính xác và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thông tư số 46/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top