Nhiều vụ vỡ hụi nhưng không ít người vẫn tham gia vì ham lợi

08:43 - Thứ Tư, 27/11/2024 Lượt xem: 1263 In bài viết

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Cụ thể, 10 người dân ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã làm đơn gửi đến cơ quan Công an tố ông Đoàn Quốc Kỳ (SN 1977) và vợ là bà Hoàng Thị Kim Hiền (SN 1983) ngụ phường Long Phước, thị xã Phước Long về việc vay tiền không trả và bể hụi. Cơ quan CSĐT đã điều tra và kết luận vụ án. Tòa án nhân dân thị xã Phước Long đã đưa vụ án ra xét xử, nhưng các bị hại tiếp tục làm đơn khởi kiện. 

Bà Đ.T.L. (SN 1975) là một trong 10 người gửi đơn khởi kiện đến Toà án thị xã Phước Long cho biết: “Vào năm 2020, 2021, do quen biết và làm ăn với nhau nên chúng tôi có cho vợ chồng ông Kỳ, bà Hiền vay tiền rồi chơi hụi do hai người này làm chủ hụi, tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi đòi nợ rất nhiều lần nhưng ông Kỳ và bà Hiền cố tình né tránh không trả nợ cho chúng tôi”.

Còn vào tháng 6/2024, trên địa bàn xã Phước An, huyện Hớn Quản, xảy ra vụ vỡ hụi dẫn đến có nhiều người dân tham gia đóng tiền hụi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hoài (SN 1978) yêu cầu trả lại tiền đã góp chơi hụi, gây mất an ninh trật tự.

Những người dân đến đây đòi nợ cho biết, sau nhiều năm làm ăn gom góp tiết kiệm được ít tiền phòng thân, nhưng khi nghe bà Hoài nói chơi các dây hụi sẽ kiếm tiền lời cao nên đã tham gia. Ban đầu chỉ tham gia số tiền ít, nhưng càng về sau, số tiền góp hụi càng tăng dần, hàng trăm triệu đồng… Sau một thời gian, bà Hoài bất ngờ thông báo vỡ nợ, không còn khả năng chi trả, đóng cửa nhà, rời khỏi địa phương.

Những bị hại gửi đơn trình báo cơ quan chức năng trong một vụ vỡ hụi.

Còn tại huyện Đồng Phú, nhiều người đã gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Phước về việc bị bà Nguyễn Thị Thanh Lan (SN 1985, ngụ xã Tân Lợi) có dấu hiệu chiếm đoạt hàng tỷ đồng thông qua hình thức chơi hụi. Hầu hết người tố cáo là dân nghèo, có nguy cơ mất trắng tiền dành dụm.

Theo cơ quan Công an, việc tham gia hụi là dựa trên niềm tin và các mối quan hệ. Do vậy, người tham gia thường không đề cao cảnh giác. Mặt khác, chơi hụi không giống như các loại hình cho vay hay tiết kiệm, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo. Hai bên thỏa thuận miệng hoặc giấy tờ viết tay mà không có thỏa thuận bằng văn bản. Khi xảy ra vỡ hụi, người tham gia khó có thể được bồi thường đầy đủ. Chơi hụi là hình thức giao dịch tự phát và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi chủ hụi thông báo vỡ hụi và ôm tiền bỏ trốn, người dân khó có thể lấy lại được tiền đã đóng.

Cơ quan Công an khuyến cáo, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và phòng tránh rủi ro khi tham gia chơi hụi, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng). Bên cạnh đó, người dân nên tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ hụi, về hoạt động của dây hụi định tham gia; có thể yêu cầu chủ hụi cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi hụi, số tiền góp hụi; tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ hụi, các thành viên góp hụi để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có.

Đồng thời, người dân nên lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi. Nếu chủ hụi điều hành từ 2 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu trở lên thì phải báo cho UBND xã, phường biết để rà soát, quản lý, theo dõi và phòng ngừa. Người dân phải tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng, phòng tránh rủi ro khi tham gia chơi hụi, hạn chế thiệt hại, thất thoát về tài sản.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top