Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng cao và số ca nhiễm mới giảm, Australia bắt đầu đón khách quốc tế trở lại từ ngày 21-2, gần 2 năm sau khi đóng cửa biên giới do bùng phát dịch Covid-19. Theo đó, khách du lịch và doanh nhân sẽ được phép nhập cảnh. Khách nhập cảnh đã tiêm các mũi vắc xin cơ bản sẽ không phải cách ly, nhưng những người chưa tiêm sẽ vẫn phải cách ly.
Cũng tại châu Á, nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu điều trị lâm sàng và thuốc kháng vi rút Chennai (Ấn Độ) cho thấy, thuốc kháng vi rút molnupiravir của hãng Merck có thể giúp giảm 65% nguy cơ nhập viện vì Covid-19. Tỷ lệ này cao hơn kết quả ghi nhận trong nghiên cứu trước đó về tính hiệu quả của thuốc.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 20-2 cho biết, số ca nhiễm mới phát hiện trong 24 giờ qua ở nước này đã vượt 100.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp do sự lây lan của biến chủng Omicron.
Ngày 20-2, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo về 2 trường hợp tử vong do Covid-19, trong đó có 1 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Cả hai ca này đều đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ. Cùng ngày, Campuchia ghi nhận số ca lây nhiễm Omicron cao chưa từng thấy ở mức 736 ca, trong số này có 730 người do lây nhiễm cộng đồng và 6 trường hợp nhập cảnh.
Tại châu Âu, trong động thái mới theo đuổi mô hình “chung sống với Covid-19”, Anh sẽ tiến tới dừng yêu cầu tự cách ly bắt buộc đối với các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, khoảng thời gian 2 năm qua đã giúp nước Anh xây dựng hệ thống phòng vệ mạnh mẽ trước loại vi rút này thông qua các chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm, phương pháp điều trị mới và những nghiên cứu khoa học hiệu quả. Người đứng đầu chính phủ Anh tin tưởng đây sẽ là những công cụ quan trọng để bảo vệ an toàn cho người dân trong thời gian tới, nhấn mạnh Covid-19 sẽ không tự nhiên biến mất nên con người cần học cách tự bảo vệ bản thân mà không giới hạn tự do của chính mình.