Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuy làn sóng biến thể Omicron đang có chiều hướng giảm nhưng sự hoành hành của dòng phụ BA.2 hay còn gọi là “Omicron tàng hình” đang gây ra một số lo ngại.
Có thể kéo dài làn sóng lây nhiễm
WHO cho biết, số ca mắc Covid-19 giảm là do giảm tần suất xét nghiệm và việc này vô hình trung gây nhiều khó khăn hơn trong việc truy vết dòng phụ BA.2 đang ngày một gia tăng trong cộng đồng. WHO cũng cảnh báo, dòng phụ BA.2 có thể sẽ ngày càng vượt trội.
WHO cũng thận trọng cho rằng, không nên suy diễn nhiều về xu hướng giảm hiện nay. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm phụ trách kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết, thay vì dựa vào số ca mắc, lo ngại lớn hơn là số ca tử vong do Covid-19 đang tăng liên tiếp 6 tuần gần đây. Tuy nhiên, dù BA.2 có thể làm kéo dài làn sóng Omicron nhưng các nhà khoa học cho biết, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.2 gây bệnh nặng hơn BA.1.
Theo số liệu của WHO, hiện BA.2 chiếm khoảng 1/5 số ca mới mắc biến thể Omicron trên toàn thế giới. Đan Mạch là nước đầu tiên ghi nhận BA.2 đã vượt qua BA.1. Hiện dòng phụ BA.2 đang trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước châu Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines. BA.2 lây lan nhanh hơn các dòng phụ khác của Omicron. Vì vậy, các nhà khoa học lo ngại sự nổi lên của BA.2 có thể kéo dài làn sóng lây nhiễm, khiến thêm nhiều người nhập viện và tử vong.
Một nghiên cứu ở Đan Mạch (hiện chưa được giới chuyên gia kiểm chứng) phát hiện rằng, không có sự khác biệt về tỷ lệ nhập viện của người mắc biến thể Omicron gốc với người mắc dòng phụ BA.2. Nhưng một nghiên cứu ở Nhật Bản lại cho rằng BA.2 có thể khác với biến thể gốc đủ để được coi là biến thể mới và có thể nghiêm trọng hơn. Các báo cáo trên đều đang ở giai đoạn sơ bộ và các nhà khoa học cần thêm thông tin lẫn thời gian để theo dõi xu hướng lây nhiễm hiện nay.
Thích ứng linh hoạt
Trong tuần qua, dù nhiều nước vẫn chứng kiến sự lây lan của biến thể Omicron nhưng số ca mắc có xu hướng giảm. Theo số liệu trên worldometers.info, trong 7 ngày tính đến sáng 20-2, số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 toàn cầu giảm so với tuần trước, với tỷ lệ lần lượt là 21% và 9%. Xu hướng này được ghi nhận tại hầu hết các châu lục.
Tại châu Âu, số ca mắc mới Covid-19 trong 7 ngày qua giảm 23%. Khu vực châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi cũng ghi nhận xu hướng giảm tương tự. Số ca mắc mới và tử vong ở châu Á giảm lần lượt là 8% và 13%, nhưng nhiều nước lại chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như Singapore (số ca mắc mới cao kỷ lục trong ngày 15-2), Nhật Bản (số ca tử vong mới ở mức cao nhất trong ngày 16-2) hay Hàn Quốc (số ca mắc mới ở mức trên 100.000 ca trong hai ngày liên tiếp)...
Mặc dù vậy, khi hơn một nửa (54%) dân số trên thế giới đã được tiêm chủng, giới khoa học cho rằng đại dịch Covid-19 sắp bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Nhiều chính phủ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục kinh tế, trong đó có kế hoạch mở lại đường biên giới để thúc đẩy lĩnh vực du lịch.
Các nước châu Âu và Mỹ đã xúc tiến mở cửa du lịch từ năm ngoái và thu được kết quả khả quan. Trong khi đó, nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương đã và đang mở cửa du lịch trong tháng 2 này. Thái Lan hiện triển khai chương trình Test & Go dành cho khách quốc tế. Malaysia dự kiến mở cửa biên giới, sớm nhất là ngày 1-3 tới, để đón khách du lịch mà không cần kiểm dịch.
Kể từ đầu tháng 3 tới, Nhật Bản cũng sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với các công dân Nhật Bản và người nước ngoài nhập cảnh nước này xuống chỉ còn 3 ngày so với mức 7 ngày hiện nay.