Libya: Nhiều trắc trở đường tới hòa bình

08:28 - Thứ Ba, 01/03/2022 Lượt xem: 4258 In bài viết

Dù đã lên kế hoạch 4 bước về quy trình bầu cử và hiến pháp nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, song chặng đường đi đến hòa bình và ổn định của Libya vẫn còn nhiều trắc trở vì những mâu thuẫn nội bộ đang có dấu hiệu ngày càng sâu sắc. Điều này có thể làm chệch hướng lộ trình mà các bên đã vạch ra để xây dựng một chính quyền đoàn kết, thống nhất sau 11 năm nội chiến.

Nội chiến kéo dài 11 năm khiến nhiều khu vực của Libya trở nên hoang tàn.

Đã 20 ngày kể từ khi Quốc hội Libya chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời mới để điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng đến nay, Thủ tướng Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU), Abdul Hamid Dbeibah vẫn chưa chịu chuyển giao quyền lực. Liên hợp quốc cũng tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ đoàn kết Libya do ông A.Dbeibah làm Thủ tướng. Nếu tình trạng hai thủ tướng này tiếp tục kéo dài, kế hoạch bầu cử Quốc hội có thể sẽ bị trì hoãn.

Thủ tướng A.Dbeibah tuyên bố, ông sẽ chỉ bàn giao vị trí của mình cho một chính phủ dân cử. Ông cũng đã khởi động "sáng kiến bầu cử Quốc hội" vì lợi ích của người dân Libya, đồng thời nhấn mạnh không lực lượng nào có thể chống lại ý chí của người dân Libya. Sáng kiến của ông A.Dbeibah gồm 4 bước. Thứ nhất, Ủy ban Kỹ thuật của Chính phủ sẽ xây dựng dự thảo Luật Bầu cử để trình Quốc hội thông qua chậm nhất là ngày 14-3. Trong trường hợp dự thảo không được thông qua, Libya sẽ áp dụng quy trình bầu cử theo luật năm 2021. Thứ hai, sau khi thống nhất Luật Bầu cử, các bên sẽ lên chương trình cho hoạt động này, gồm việc cập nhật số cử tri, tiêu chí cho các ứng cử viên tranh cử. Thứ ba, tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp sửa đổi. Thứ tư, thúc đẩy minh bạch hóa quá trình bỏ phiếu và bảo đảm giám sát quốc tế trong quá trình bầu cử.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Libya Aqila Saleh lại đang nỗ lực kêu gọi triệu tập cuộc họp để thảo luận việc thành lập chính phủ mới do ông Fathi Bashagha đứng đầu, nhằm thay thế Chính phủ GNU của Thủ tướng A.Dbeibah. Văn phòng truyền thông của ông Fathi Bashagha đã hoàn tất danh sách thành viên Chính phủ mới để Quốc hội thông qua.

Bản danh sách này đã được tất cả các đảng chính trị cũng như Quốc hội và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS) thống nhất thông qua.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya, bà Stephanie Williams nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì ổn định và tiến hành bầu cử tự do, công bằng trong thời gian sớm nhất có thể ở Libya. Đặc biệt, các phe phái chính trị cần hợp tác với nhau rõ ràng về mọi mặt để duy trì ổn định trên cả nước, đặc biệt ở Thủ đô Tripoli, đồng thời nhanh chóng ấn định ngày tổ chức các cuộc bầu cử, coi đây là ưu tiên hàng đầu.

Gần 7 triệu dân Libya đã quá mệt mỏi vì cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập niên qua. Kinh tế kiệt quệ cho dù Libya trong quá khứ từng là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển và thịnh vượng nhất tại khu vực Bắc Phi và là một trong 10 quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Bên cạnh sự tàn phá do chiến tranh, chia rẽ nội bộ là nguyên nhân khiến kinh tế xuống dốc và làm phức tạp hóa vấn đề quản lý nguồn thu từ dầu mỏ, từ đó dẫn đến suy giảm nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này. Các chuyên gia ước tính, để tái thiết lại đất nước vốn bị tàn phá nặng nề, cần ít nhất 100 tỷ USD. Không thiếu nhà thầu quốc tế cùng các dự án lớn muốn tới đầu tư tại đây; tuy nhiên, bất ổn về chính trị đang là rào cản khiến doanh nghiệp nước ngoài không dám mạo hiểm.

Các nhà bình luận cho rằng, điều cần làm nhất hiện nay là các bên liên quan gạt bỏ toan tính riêng, cùng ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp toàn diện, thống nhất vì lợi ích và viễn cảnh ổn định chung của Libya.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top