Trung tâm thương mại tìm cách hút khách

14:53 - Thứ Tư, 09/03/2022 Lượt xem: 4034 In bài viết

Trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua hàng trực tuyến do đại dịch Covid-19, các trung tâm thương mại tại Pháp đang tìm hiểu các mô hình mới để tồn tại và phát triển.

Không gian bên trong Trung tâm thương mại Cap 3000.

Theo số liệu của Hiệp hội Các trung tâm thương mại Pháp, dịch bệnh đã khiến lượng khách hàng ở các trung tâm mua sắm truyền thống trong năm 2020 giảm 28,1% so với năm 2019, và giảm thêm 0,8% vào năm 2021. Trong khi đó, các giao dịch thương mại trực tuyến, mở cửa suốt ngày đêm, đã đạt được những con số tăng trưởng không ngừng, đặc biệt là từ 4 năm trở lại đây. Do dịch bệnh bùng phát, đại bộ phận người dân phải chấp nhận các quy định hạn chế ra ngoài, và rất nhiều người thấy tiện lợi hơn khi mua sắm trên mạng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Sociovision, từ năm 2021, đa số người Pháp vẫn mong muốn trở lại cuộc sống bình thường như trước đây để được đến các trung tâm mua sắm, hưởng thú vui đi dạo và giao lưu. Trong tháng 1 vừa qua, số người đến các trung tâm thương mại đã tăng 9,5%, mang lại hy vọng cho các công ty bất động sản, chủ đầu tư của các trung tâm thương mại. Điều quan trọng là làm thế nào để vừa giữ chân người thuê cửa hàng, vừa thu hút lại khách đến mua hàng. 

Quyết tâm không để làn sóng kỹ thuật số có thể lấn át, các trung tâm mua sắm đang phấn đấu trở thành các trung tâm giao dịch đa chiều, đa phương tiện, kết hợp giữa thương mại truyền thống và ứng dụng kỹ thuật số, đáp ứng mọi kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như người bán hàng. Ngoài việc tiếp tục thú vui đi ngắm cửa hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện việc mua bán trên trang web của cửa hàng, nhận hay trả hàng tại nhà hoặc ở các điểm giao dịch. Trong khi đó, bên bán hàng cũng tiết kiệm được chi phí nhờ thương mại điện tử và giữ chân khách hàng của họ bằng các gói khuyến mại đầy hấp dẫn, tăng cường tính tiện ích của trang bán hàng trực tuyến bằng việc liên kết với các đối tác khác.

Đối với những người bán hàng chưa có trang web riêng, các chủ trung tâm thương mại đề nghị họ tham gia trang mua sắm điện tử của trung tâm. Dịch vụ cung cấp không gian và giới thiệu các thương hiệu ra đời trên Internet đã góp phần tạo ra mô hình kinh doanh thương mại theo chiều dọc, loại bỏ các trung gian từ sản xuất đến phân phối. Đây cũng là một phần của chiến lược cải cách mà các trung tâm thương mại đang hướng tới.

Tập đoàn Galimmo đặt mục tiêu xây dựng khoảng 20 trung tâm thương mại trong vòng 2-3 năm tới. Trong bối cảnh nhu cầu về dịch vụ sức khỏe ngày càng tăng, từ nay đến năm 2025, Tập đoàn đầu tư bất động sản Carmila hy vọng sẽ tạo ra 15% tổng thu nhập cho thuê sàn thương mại nhờ các cơ sở khám chữa bệnh, nha khoa, nắn xương chỉnh hình và thú y. Phân khúc cho ngành dược dường như cũng đầy hứa hẹn, với việc mở rộng diện tích giới thiệu các sản phẩm sức khỏe và làm đẹp. 

Những trung tâm thương mại có điều kiện hơn sẽ đầu tư phát triển thành tổ hợp vui chơi giải trí. Cap 3000, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của Pháp, là một điển hình phát triển theo hướng này. Trong lần cải tạo thứ 4 vừa qua, tòa nhà đã được mở ra Địa Trung Hải với nhiều nhà hàng có thể ngắm cảnh. Bên cạnh màn hình khổng lồ chào đón du khách, trung tâm sẽ sớm bổ sung nhiều dịch vụ như một khu lướt sóng nhân tạo, sân chơi bowling và có lẽ là một thiết bị mô phỏng nhảy dù, cũng như nhiều hoạt động văn hóa và thể thao trên bãi biển để làm nổi bật những tiện ích giải trí, mua sắm. 

Bên cạnh đó, các công ty bất động sản cũng sẽ không còn tham vọng đầu tư vào các trung tâm thương mại chuyên biệt nữa mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến xu hướng kinh doanh các dự án phức hợp, đa năng, kết hợp văn phòng, nhà ở, trung tâm thương mại, giải trí trong các không gian xanh… 

P.V (theo SGGP)
Bình luận

Tin khác

Back To Top