Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại, xu hướng gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu hiện nay trong bối cảnh một số quốc gia đang cắt giảm tần suất xét nghiệm có thể báo trước 1 vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.
Các số liệu cho thấy, sau hơn 1 tháng giảm, các ca Covid-19 bắt đầu gia tăng trên khắp thế giới vào tuần trước, dẫn đến các đợt phong tỏa ở châu Á, trong đó tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc đang phải căng mình để kiềm chế bùng phát lây nhiễm.
Nhấn mạnh các quốc gia vẫn cần phải cảnh giác trước virus, WHO cho biết, sự kết hợp của nhiều yếu tố đã dẫn đến sự gia tăng các ca bệnh mới, bao gồm biến chủng Omicron cùng biến thể phụ BA.2 hay còn gọi là “Omicron tàng hình” có khả năng lây nhiễm cao, cùng với tác động từ việc dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, sự gia tăng này đang xảy ra bất chấp việc cắt giảm các xét nghiệm ở một số quốc gia, có nghĩa là những trường hợp mắc Covid-19 đã được xác nhận mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
WHO cho biết, tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 thấp ở một số quốc gia, một phần do "thông tin sai lệch" cũng dẫn đến sự gia tăng này.
Số ca nhiễm Covid-19 đã tăng 8% trên toàn cầu so tuần trước, với 11 triệu ca mắc mới và hơn 43 nghìn ca tử vong mới được báo cáo từ ngày 7 đến 13/3. Đây đợt tăng đầu tiên kể từ cuối tháng 1/2022.
Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương theo phân cấp của WHO, bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc, chứng kiến tỷ lệ tăng cao nhất, với số ca mắc tăng 25% và số ca tử vong vì Covid-19 tăng tới 27%.
Châu Phi cũng chứng kiến đà tăng về cả số mắc và số ca tử vong mới, lần lượt tăng 12% và 14%, trong khi châu Âu tăng 2% về số ca mắc nhưng số ca tử vong gần như không gia tăng so tuần trước đó.
Các khu vực khác đều báo cáo số ca mắc giảm, bao gồm cả khu vực phía đông Địa Trung Hải, mặc dù khu vực này chứng kiến mức tăng 38% về số ca tử vong liên quan đến làn sóng gia tăng đột biến các ca bệnh trước đó.
Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại châu Âu có thể phải đối mặt với 1 làn sóng lây nhiễm khác, khi các trường hợp nhiễm mới đang gia tăng kể từ đầu tháng 3 ở Áo, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về Covid-19 của WHO cho biết, BA.2 dường như là biến thể dễ lây truyền nhất cho đến nay. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy “Omicron tàng hình” gây ra tình trạng bệnh nặng hơn, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ biến thể mới nào khác đang thúc đẩy sự gia tăng các ca bệnh.
Diễn biến dịch bệnh ở châu Âu hiện cũng không phải là bức tranh tổng quát cho tình hình dịch bệnh toàn cầu. Thí dụ, Đan Mạch đã chứng kiến 1 đợt bùng phát ngắn các ca nhiễm mới vào nửa đầu tháng 2 vừa qua do BA.2 gây nên, song số ca mắc đã nhanh chóng giảm xuống.
Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Mỹ có thể sớm chứng kiến 1 làn sóng tương tự như đã thấy ở châu Âu, có khả năng được thúc đẩy bởi biến thể phụ BA.2, cũng như tác động từ việc dỡ bỏ các hạn chế và hiệu lực bảo vệ suy giảm do các liều vaccine được tiêm từ vài tháng trước.