Liên minh châu Âu (EU) đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan trong mớ bòng bong “hai trong một”. Quan hệ căng thẳng với Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt cứng rắn lẫn nhau khiến giá dầu tăng chóng mặt, đẩy EU vào tình cảnh thiếu hụt năng lượng.
Trong khi loay hoay tìm cách hạ nhiệt cuộc xung đột ở Ukraine, EU vẫn không khỏi lo lắng về nguy cơ mất an ninh năng lượng do gần một nửa lượng khí đốt châu Âu tiêu thụ do Nga cung cấp. Lãnh đạo bốn nước Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp gấp rút nhóm họp để tìm lời giải cho bài toán năng lượng. “Bộ tứ” châu Âu kêu gọi EU, nhân dịp tiến hành hội nghị cấp cao trong tuần này, khẩn trương xây dựng chiến lược năng lượng chung để bảo đảm an ninh năng lượng của khối. Theo “bộ tứ”, EU cần hành động tập thể, chấm dứt tình trạng để các nước thành viên phải “tự bơi” như hiện nay.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá dầu tăng rất cao. Thủ tướng Italia Mario Draghi (M.Đra-ghi) thúc giục EU tìm biện pháp bảo vệ các quốc gia thành viên trước sự bấp bênh của an ninh năng lượng. Ông Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu. Thủ tướng Italia cũng cho rằng, không nên tách riêng thị trường năng lượng và khí đốt vì quản lý thị trường năng lượng chung sẽ có lợi hơn.
Người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez (P.Xan-chét) nêu rõ, chỉ có phản ứng chung mới có thể giúp châu Âu giải quyết vấn đề, song cần hành động ngay trước khi quá muộn. Những lo lắng của một số nước châu Âu là không thừa khi EU tuyên bố giảm hai phần ba lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm. Tuy nhiên, hơn 100 thành viên Nghị viện châu Âu lại ký một bức thư kêu gọi lệnh cấm của EU có hiệu lực ngay lập tức, bất chấp Moskva cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt và 25% lượng dầu thô của EU.
Trong khi đó, Anh, cựu thành viên EU, lại lên tiếng phàn nàn việc liên minh này sắp sửa áp đặt lệnh cấm nhập dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh, đẩy châu Âu vào nguy cơ suy thoái. Luân Đôn đang phải vật lộn giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong bối cảnh lạm phát và giá thực phẩm, xăng dầu tăng cao. Ước tính chỉ riêng giá năng lượng tăng vọt đã đặt gánh nặng 38 tỷ bảng lên vai người dân “xứ sở sương mù” từ nay đến cuối năm.
Đức, nền kinh tế đầu tàu EU và cũng là khách hàng mua khí đốt lớn nhất châu Âu của Nga đang loay hoay tìm nguồn cung khác. Đây là bài toán khó tìm lời giải đối với Berlin trong một sớm một chiều, bởi Moskva cung cấp tới 55% lượng khí đốt cho Đức. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (R.Ha-bếch) vừa có chuyến công du gấp gáp tới Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cuối tuần qua. Mục đích chính của chuyến thăm không gì khác là tìm giải pháp thay thế khí đốt từ Nga.
Trước đó, ông Habeck cũng có các chuyến thăm con thoi tới Na Uy, nước xuất khẩu khí đốt quan trọng và Mỹ, nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn. Người đứng đầu ngành kinh tế Đức tin tưởng các cuộc đàm phán đang tiến hành với Na Uy, Mỹ, Canada, UAE và Qatar, cũng là nước xuất khẩu LNG lớn trên thế giới, sẽ giúp mang nhiều LNG hơn đến châu Âu và Đức.
Trong khi đó, Bỉ lại tìm hướng phát triển năng lượng trong nước. Sau một cuộc họp gấp gáp, các đảng phái chính trị ở Bỉ nhất trí tiến hành mở rộng hai nhà máy điện hạt nhân hiện tại, đầu tư phát triển điện hạt nhân trong tương lai và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Đây là thỏa thuận quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với vấn đề năng lượng của Brussels.
Thỏa thuận cho phép mở rộng sản xuất điện hạt nhân đến năm 2025, đồng thời đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời với khoản đầu tư 1,16 tỷ euro. Ngoài ra, Bỉ cũng lên kế hoạch trở thành trung tâm nhập khẩu và trung chuyển hydro xanh thông qua việc đẩy nhanh thiết lập hệ thống “xương sống hydro” từ bến cảng đến khu công nghiệp.
Các cuộc đàm phán tìm nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, cũng như kế hoạch tự phát triển năng lượng của các quốc gia châu Âu chưa biết có mang lại kết quả ngay lập tức hay không, nhưng rõ ràng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến EU lâm vào tình cảnh thiếu hụt năng lượng.