Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau hơn 1 tháng ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm, con số này lại đang có xu hướng gia tăng trên khắp thế giới. Tại Mỹ và châu Âu, giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo về làn sóng dịch mới có thể xuất hiện trong vài tuần tới.
Hàn Quốc sắp đạt đỉnh dịch
Tân Hoa Xã đưa tin, tính đến ngày 20-3, Trung Quốc có 1.656 ca mắc mới Covid-19, giảm so với mức 2.157 ca trong ngày trước đó. Ngày 19-3, Trung Quốc thông báo 2 ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 sau hơn 1 năm không ghi nhận thêm ca nào. Nhờ việc kết hợp giữa chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ, cách ly trong thời gian dài và phong tỏa có trọng điểm, Trung Quốc kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với nước này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, tiếp tục gắn bó với chiến lược “Zero Covid-19”, đặt mục tiêu đưa số ca nhiễm mới về con số 0.
Trong khi đó, tại Đặc khu hành chính Hong Kong, các quyết định mới liên quan đến những biện pháp hạn chế sẽ được đưa ra sau khi chính quyền tiến hành đánh giá tình hình thực tế trong ngày 21-3. Hong Kong vẫn tuân thủ chiến lược “Zero Covid-19” với các biện pháp hạn chế và quy định phòng dịch chặt chẽ để nhanh chóng dập tắt các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng. Tính đến ngày 20-3, vùng lãnh thổ này ghi nhận 16.597 ca mắc mới, thấp nhất trong 3 tuần. Hiện tại, Hong Kong có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 là 1/20 ca, được coi là khá cao, với hầu hết nạn nhân là những người cao tuổi chưa tiêm chủng. Hơn nửa triệu dân ở thành phố đã nhiễm virus, bất chấp các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.
Trong ngày 20-3, số ca mắc mới tại Hàn Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 400.000 ca, với 334.708 ca. Chính phủ Hàn Quốc quyết định nới lỏng hơn nữa các quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 trong 2 tuần tới. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, hướng dẫn về giãn cách xã hội mới được điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 21-3 đến 3-4, đồng thời dự báo dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong tuần này hoặc muộn nhất là vào tuần tới.
Cảnh báo của chuyên gia
Tại Mỹ, cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo, trong vài tuần tới, số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây. Số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ nhiễm mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày. Dự báo của Tiến sĩ Fauci căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại. Châu Âu cũng đang lo ngại về làn sóng dịch Covid-19 thứ sáu sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng quá sớm.
Nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italy tuần qua thông báo số ca dương tính và số ca nhập viện tăng mạnh. Các chuyên gia cảnh báo, hệ lụy của việc nới lỏng các quy định phòng chống dịch quá sớm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và thực tế thì làn sóng dịch tiếp theo ở châu Âu đã bắt đầu. Theo thống kê của tổ chức Worldometer, châu Âu tuần qua ghi nhận thêm hơn 4,8 triệu ca nhiễm, tăng 7% so với tuần trước đó. Ca nhiễm ở châu Âu gia tăng một tháng sau khi các nước hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà.
Theo bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, yếu tố góp phần làm gia tăng ca nhiễm toàn cầu là Omicron - loại biến thể của virus SARS-CoV-2 dễ lây truyền nhất cho đến nay và dòng phụ BA.2 của Omicron. Một nguyên nhân nữa là vì một số nước bỏ yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế di chuyển. Bà Maria van Kerkhove cho rằng, thế giới đang ở giữa đại dịch Covid-19. Trước đó, WHO từng đề cập rằng giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm nay nhưng nó còn phụ thuộc vào việc thế giới có nhanh chóng đạt được hay không mục tiêu tiêm vaccine cho 70% dân số ở các quốc gia.