Theo kết quả cuộc kháo sát do Hội đồng Phát triển Kinh tế Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) tiến hành gần đây, tình trạng già hóa dân số gia tăng và tỷ lệ sinh sụt giảm có thể gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan trong tương lai.
Phó Tổng thư ký NESDC Jinanggoon Rojananan cho biết, cuộc khảo sát của cơ quan này đã phát hiện ra rằng tỷ lệ dân số già hóa gia tăng có khả năng sẽ khiến nền tốc độ phát triển kinh tế của Thái Lan giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong giai đoạn 2023 và 2033. Thái Lan đã được xếp là xã hội “đang bị già hóa” từ năm 2055 với 10% dân số có độ tuổi từ 60 trở lên và NESDC dự kiến nước này sẽ trở thành một xã hội “già hóa” vào năm tới, với số lượng người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% dân số. Theo đà này, Thái Lan có thể trở thành một xã hội “siêu già hóa” vào năm 2031 hoặc 2032 với 28% dân số có độ tuổi từ 60 trở lên.
Theo cuộc khảo sát, trong suốt cuộc đời mình, người dân Thái Lan sẽ kiếm được ít hơn so với mức mà họ chi tiêu (thâm hụt thu nhập). Mức thâm hụt này ước tính sẽ lên tới khoảng 2,04 nghìn tỷ bạt năm 2022, tức khoảng 30.000 bạt mỗi người trong một năm. Con số này có thể sẽ tăng lên mức 2,16 nghìn tỷ bạt vào năm 2023 và 2,57 nghìn tỷ bạt vào năm 2033, cho thấy người dân Thái Lan có mức độ tiết kiệm tương đối thấp.
Bà Jinanggoon nói rằng khu vực nhà nước sẽ chịu gánh nặng về tài chính lớn nhất do thay đổi về cấu trúc dân số. Tỷ lệ chi tiêu cho y tế công cộng trên GDP dự kiến sẽ tăng 12,7% vào năm 2040, trong khi tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục trên GDP có thể tăng 4,71%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên GDP cũng sẽ tăng 5,41% trong cùng kỳ do kết quả của sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, những người từ 15 tuổi trở lên. Cuộc khảo sát cho rằng, đến thời điểm nghỉ hưu, tổng thu nhập của mỗi người trong độ tuổi lao động ở Thái Lan cần phải đạt 7,7 triệu bạt thì mới đủ để tự chăm sóc bản thân họ, con cái và người già trong gia đình.
Cùng với nguy cơ về già hóa dân số, Thái Lan còn đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm mạnh. Văn phòng Thống kê Thái Lan cho biết, tỷ lệ sinh ở nước này đã đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2020 với chỉ 540.000 trẻ được sinh ra, so với mức 900.000 đến 1.000.000 trong giai đoạn 1993-1996. Đây cũng là năm đầu tiên số trẻ mới sinh ra thấp hơn số người tử vong. Tỷ lệ sinh ở phụ nữ Thái Lan cũng giảm xuống mức cực thấp vào năm 2021 với mỗi phụ nữ trung bình chỉ sinh 1,5 trẻ, giảm đáng kể so với mức 2 vào năm 1995 và thấp hơn so với ngưỡng 2,1 do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra. Trong 10 năm tới, dự kiến cứ mỗi người trong độ tuổi lao động ở Thái Lan thì sẽ có 72 trẻ em và người già, so với mức 54,8 trong năm 2021.
NESDC cho rằng giải pháp tăng thu nhập cho người dân sẽ rất quan trọng trong việc giảm thâm hụt thu nhập và tăng cường phát triển kinh tế. Bà Jinanggoon khẳng định việc đào tạo kỹ năng cho thiếu niên cần phải phù hợp với nhu cầu của thị trường và hướng phát triển quốc gia. Trong khi đó cần tăng thu nhập cho những người trong độ tuổi lao động. Đồng thời, người cao tuổi tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động kinh tế.
Bà cũng cho rằng cần đưa ra các mức lương hấp dẫn để thu hút các lao động kỹ năng cao của Thái Lan hiện đang làm việc ở nước ngoài và nới lỏng các quy định để khuyến khích lao động nước ngoài có tay nghề cao, từ đó hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế dài hạn của Thái Lan theo hướng các ngành công nghiệp giá trị cao. NESDC cũng đề nghị Chính phủ Thái Lan tăng cường tài chính hộ gia đình, bao gồm tăng tiết kiệm hộ gia đình để giảm thiểu các rủi ro về tài chính cũng như lập kế hoạch nghỉ hưu để giảm gánh nặng về tài chính khi thu nhập sụt giảm và cần tìm cách để đạt mức cân bằng về tài chính.