Ngăn chặn khủng hoảng lương thực ở châu Phi

09:50 - Thứ Tư, 23/03/2022 Lượt xem: 4724 In bài viết

Châu Phi vốn đã có nguy cơ mất an ninh lương thực do thời tiết khắc nghiệt, hạn chế về tài nguyên thiên nhiên và xung đột. Đại dịch Covid-19 và nạn châu chấu giai đoạn 2020-2021 càng làm suy giảm năng suất nông nghiệp của Lục địa đen. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã thông báo kế hoạch huy động 1 tỷ USD để giúp các quốc gia châu Phi tăng cường sản xuất lương thực và phát triển ngành Nông nghiệp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực ở khu vực này.

Hạn hán là một trong những nguyên nhân khiến châu Phi có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực.

Chủ tịch AfDB Akinwumi Adesina cho biết, AfDB đã đề xuất gây quỹ trị giá 1 tỷ USD để giúp 40 triệu nông dân châu Phi sử dụng các công nghệ thích ứng với khí hậu và tăng cường sản xuất các giống lúa mì chịu nhiệt cùng các loại cây trồng khác. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc sống của người nghèo ở Lục địa đen, trong bối cảnh những thách thức hiện hữu là bệnh AIDS và các cuộc nội chiến. Nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nhập khẩu ròng ở châu Phi, đã bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa tăng vọt trong những tháng gần đây.

Biến đổi khí hậu dẫn đến 3 năm hạn hán (2019-2021) đã gây ra những vụ mùa thất bát và mất đất đồng cỏ để chăn nuôi. Vào các năm 2020 và 2021, nông nghiệp châu Phi càng trở nên thất bát do nạn châu chấu tàn phá đất trồng trọt. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 cũng đẩy nhiều quốc gia châu Phi vào khủng hoảng vì hạn chế các cơ hội kinh tế. Là trụ cột của nền kinh tế châu Phi, ngành Nông nghiệp đóng góp 23% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 49% việc làm, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các làn sóng Covid-19.

Theo một khảo sát của Tổ chức nhân đạo phi chính phủ Heifer International, vào tháng 8-2021, 40% tổ chức nông nghiệp ở châu Phi buộc phải tạm thời đóng cửa do đại dịch, 36% doanh nghiệp thiếu vốn để khởi động lại sản xuất, kinh doanh nông sản...  Hơn nữa, khi các nguồn tài nguyên cạn kiệt và người dân bi quan hơn, tình trạng mất an ninh lương thực có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến xung đột.

Trong những tuần gần đây, nông nghiệp châu Phi lại nhận thêm tín hiệu xấu khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine tạo nguy cơ đe dọa an ninh lương thực đối với lục địa này. Chủ tịch AfDB Akinwumi Adesina cho biết, rủi ro là đặc biệt nghiêm trọng khi có khoảng 283 triệu người dân châu Phi vốn đã rơi vào nạn đói trước khi xảy ra cuộc chiến Nga - Ukraine. Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, do đó làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực lớn, vì 30% lúa mì tiêu thụ ở châu Phi đến từ Ukraine và Nga. Nhập khẩu lúa mì chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại 4 tỷ USD của châu Phi với Nga và gần một nửa trong tổng số 4,5 tỷ USD kim ngạch thương mại của lục địa này với Ukraine.

Phó Chủ tịch các chương trình châu Phi của Heifer International Adesuwa Ifedi cho rằng: “Là một lục địa có dân số trẻ phát triển mạnh, các quốc gia châu Phi phải có các chính sách khuyến khích người trẻ thành lập các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vì chúng là chìa khóa để hồi sinh hệ thống lương thực của châu Phi”.

AfDB đang tìm cách hỗ trợ các nước châu Phi tăng sản lượng lúa mì, gạo và đậu nành, để đạt mục tiêu 100 triệu tấn lương thực, đủ cung cấp cho 200 triệu người. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, cũng giống với đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia phải xem xét kỹ lưỡng chuỗi cung ứng dược phẩm, chính phủ các nước châu Phi và các cơ quan cứu trợ cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng thực phẩm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đa tầng hiện nay. Các đối tác quốc tế có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng các chiến lược hợp lý để củng cố hệ thống lương thực của Lục địa đen.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top