Kết quả cuộc khảo sát về dữ liệu ô nhiễm ở 6.475 thành phố trên toàn thế giới vừa được công bố cho thấy, không một quốc gia nào đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2021, thậm chí khói mù còn bùng phát trở lại ở một số khu vực.
Tiếng chuông cảnh báo
Theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hàng năm được khuyến nghị từ 10 microgam/m3 xuống 5 microgam/m3 vì cho rằng ngay cả nồng độ thấp cũng gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể. Nhưng theo dữ liệu của IQAir, một công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ, chỉ có 3,4% các thành phố được khảo sát đạt tiêu chuẩn này vào năm 2021. Có tới 93 thành phố có mức PM2.5 cao gấp 10 lần mức khuyến nghị.
Bà Christi Schroeder, Giám đốc khoa học chất lượng không khí của IQAir, cho biết: “Có rất nhiều quốc gia đang đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm lượng khí thải. Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh và đang tiếp tục giảm theo thời gian. Nhưng cũng có những nơi trên thế giới đang trở nên tồi tệ hơn đáng kể”.
Dữ liệu năm 2021 cho thấy, New Delhi, Ấn Độ vẫn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Bangladesh cũng không thay đổi so với năm ngoái khi là quốc gia ô nhiễm nhất, trong khi Chad xếp thứ hai sau khi dữ liệu của quốc gia châu Phi này lần đầu tiên được đưa vào. IQAir cho biết, Trung Quốc, quốc gia bắt đầu cuộc chiến với ô nhiễm từ năm 2014, đã từ vị trí thứ 14 năm 2020 xuống vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng PM2.5 vào năm 2021 với chỉ số trung bình cải thiện lên 32,6 microgam. Hotan ở khu vực Tây Bắc Tân Cương là thành phố bụi bặm nhất của Trung Quốc với chỉ số PM2.5 trung bình hơn 100 microgam, phần lớn do bão cát gây ra. Thành phố này xuống vị trí thứ ba trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, sau hai thành phố của Ấn Độ là Bhiwadi và Ghaziabad.
Tìm kiếm giải pháp
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng cảnh báo về ô nhiễm không khí lên sức khỏe của con người. Theo bà Maria Neira, Giám đốc Y tế Công cộng và Môi trường thuộc WHO, những người tiếp xúc và sống trong môi trường có chất lượng không khí kém nguy cơ bị Covid-19 sẽ cao hơn. Nguyên nhân được cho là do khi hít thở trong môi trường không khí độc hại, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn hại và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Các bệnh này bao gồm cả đường hô hấp như ung thư phổi, viêm phổi, hen suyễn và viêm phế quản. WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Trong khi đó, bài nghiên cứu của Tiến sĩ Jos Lelieveld (Viện Hóa học Max Planck Mỹ) và cộng sự được đăng tải trên kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia chỉ ra số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể lên đến gần 9 triệu người.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoặc các đại dịch liên quan đến đường hô hấp có thể xảy đến trong tương lai, sản xuất vaccine thành công thôi là chưa đủ mà cần thêm những biện pháp khác để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Các nhà hoạch định chính sách có thể thực hiện các thay đổi ở cấp địa phương hoặc thành phố để áp dụng các hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm thiểu việc sử dụng ô tô cá nhân, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà và khuyến khích cuộc sống bền vững. Việc xây dựng chính sách hiệu quả đòi hỏi phải có các nghiên cứu dựa trên bằng chứng, kết hợp các lý thuyết về xã hội để cung cấp thông tin chính xác cho việc hoạch định chính sách nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, ví dụ như nguyên tắc bán dẫn để hạn chế xả thải từ doanh nghiệp hay khái niệm văn hóa tăng thặng dư sinh thái…