Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục: Tăng chi quốc phòng và hỗ trợ an sinh

09:06 - Thứ Sáu, 25/03/2022 Lượt xem: 4312 In bài viết

Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục - lên tới 900 tỷ USD - cho tài khóa 2022 nhằm ứng phó kịp thời với những diễn biến mới trong và ngoài nước. Kế hoạch này nhắm đến mục tiêu chính là hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tăng chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng.

Nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước nhiều thử thách.

Thượng viện Nhật Bản vừa phê chuẩn kế hoạch ngân sách 107.600 tỷ yen (khoảng 900 tỷ USD) cho tài khóa mới (bắt đầu từ ngày 1-4-2022), chỉ ít tuần sau khi dự thảo này được Hạ viện thông qua. Đây là mức chi tiêu cao kỷ lục của Đảo quốc Mặt trời mọc năm thứ 10 liên tiếp.

Trong đó, khoản 36.270 tỷ yen được dành cho việc giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh. Đây là mức chi lớn nhất từ trước tới nay của Nhật Bản cho vấn đề an sinh xã hội, chiếm tới 1/3 tổng ngân sách, cho thấy tình trạng già hóa dân số tiếp tục là thách thức hàng đầu đối với nền kinh tế lớn thứ hai châu Á. Dự thảo ngân sách mới cũng dành mức cao kỷ lục 5.400 tỷ yen cho quốc phòng để thúc đẩy phát triển các công nghệ mới phục vụ an ninh quốc gia. Đối phó Covid-19 tiếp tục là yêu cầu cấp thiết, thể hiện qua việc dự thảo dành 5.000 tỷ yen (tương đương năm 2021) cho quỹ dự phòng công tác ứng phó đại dịch.

Sau khi ban hành dự thảo, chính phủ và liên minh cầm quyền tại Nhật Bản cũng có kế hoạch soạn thảo gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ các hộ gia đình đang phải đối mặt với hóa đơn thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, trong đó bao gồm cả khoản thanh toán bằng tiền mặt cho những người hưu trí có thu nhập thấp.

Theo giới phân tích, việc dự thảo lần này có thời gian thông qua nhanh thứ ba trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ II cho thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng. Điều này cũng thể hiện qua sự ủng hộ của lực lượng chính trị đối lập, trong đó có đảng Dân chủ vì nhân dân (DPP). Theo Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, việc phê chuẩn dự thảo sẽ tạo tiền đề giúp thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh giá dầu thô, nguyên liệu thô và thực phẩm tăng cao. Đây là mục tiêu cấp thiết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Nhật Bản gần như dừng lại trong quý đầu năm 2022, do những hạn chế liên quan tới phòng, chống Covid-19 và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu làm chệch hướng các kế hoạch phục hồi. Giá trị đồng yen so với USD hiện cũng tụt thấp nhất trong 6 năm.

Dĩ nhiên, việc thực thi dự thảo sẽ đối mặt một số khó khăn. Trước hết, khoản nợ công khổng lồ tiếp tục là rào cản khả năng thúc đẩy chi tiêu hỗ trợ nền kinh tế. Mức nợ công của Nhật Bản được dự báo sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 triệu tỷ yen - lên hơn 1,026 triệu tỷ yen - vào cuối tài khóa 2022. Đây là con số gấp đôi quy mô nền kinh tế xứ sở Hoa anh đào, và cao hơn nhiều so với ngưỡng 990,3 nghìn tỷ yen cuối tài khóa 2021. Thứ đến là nguồn thu - điều chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến bảo đảm bằng mức thuế kỷ lục 65.240 tỷ yen, cao hơn nhiều so với con số 57.450 tỷ yen theo kế hoạch ngân sách tài khóa 2021. Cách tiếp cận này được đánh giá sẽ khả thi nếu đà phục hồi của nền kinh tế được duy trì. Song song đó, Nhật Bản cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 36,93 nghìn tỷ yen, để bù đắp thâm hụt ngân sách. Mức này giảm so với con số 43,6 nghìn tỷ yen trong dự thảo ngân sách tài khóa 2021.

Nhìn chung, tuy không thể tránh khỏi những thách thức trong thực thi, dự thảo ngân sách tài khóa mới của Nhật Bản vẫn được đánh giá là kịp thời định hình các nguồn lực cần thiết, giúp nền kinh tế Nhật Bản chủ động ứng phó với những biến động toàn cầu, qua đó duy trì kế hoạch phục hồi đúng hướng, bảo đảm cuộc sống cho người dân và "sức khỏe" của nền kinh tế.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top