Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đang cận kề

15:40 - Thứ Sáu, 25/03/2022 Lượt xem: 4636 In bài viết

Xung đột Nga-Ukraine đã gây ra cú sốc lớn cho thị trường năng lượng. Nhưng không chỉ có vậy, hiện nay, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng còn đáng lo ngại hơn. Đó là tình trạng thiếu lương thực ở quy mô toàn cầu.

Hàng triệu người Somalia, bao gồm cả trẻ em, đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Ảnh: rescue.org

Theo Forbes India, cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine cộng thêm những thách thức sẵn có như đại dịch Covid-19, vận tải hàng hóa bị hạn chế, chi phí năng lượng cao và các trận hạn hán, lũ lụt, hỏa hoạn gần đây khiến giá cả tăng vọt và nguồn cung lương thực bị siết chặt. Hiện nay, đa số các nhà kinh tế, các tổ chức viện trợ nhân đạo và nhiều quan chức chính phủ đều cảnh báo về nguy cơ nạn đói đang gia tăng trên phạm vi toàn thế giới.

Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành (CEO) của Yara International nhận định rằng, thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ông Holsether nhấn mạnh: “Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà quan trọng là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào?”.

Trong 5 năm qua, Nga và Ukraine chiếm gần 30% lượng xuất khẩu lúa mì trên thế giới, 17% lượng xuất khẩu ngô, 32% lúa mạch-nguồn thức ăn chăn nuôi quan trọng và 75% dầu hướng dương của thế giới. Các lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga khiến nước này không thể xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, nguồn cung từ Ukraine cũng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Hệ quả là giá cả leo thang ở mọi ngóc ngách trên thế giới. Trong năm qua, giá lúa mì tăng 69%. Giá ngô và lúa mạch tăng lần lượt 36% và 82%. Chiến sự ở Ukraine cũng có nguy cơ tạo ra một cú sốc khác đối với thị trường lương thực. Đó là thiếu phân bón, do nguồn cung cấp phân bón toàn cầu chủ yếu đến từ hai quốc gia này. Điều này đe dọa quy mô của các vụ thu hoạch tiếp theo.

Cần biết rằng, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước đang phát triển vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất. Trong bối cảnh đó, không lạ gì khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định chiến sự ở Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào “cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu”.

Báo cáo gần đây do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc thực hiện cũng cho thấy, số người nghèo đói đã gia tăng đáng kể dưới tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine lẫn đại dịch Covid-19. Theo đó, số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019. David Beasley, Giám đốc điều hành WFP cho biết, mức độ mất an ninh lương thực hiện nay là “chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”.

Ảnh hưởng của chuỗi lương thực bị mắc kẹt ở Ukraine và Nga-những nền nông nghiệp quan trọng đối với cán cân toàn cầu-đã và đang được cảm nhận ở các quốc gia dễ bị tổn thương hơn như Afghanistan, Yemen, Syria và Somalia.

Theo số liệu của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), ít nhất 4 triệu người Somalia sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn ở mức khẩn cấp vào tháng 6 tới trong bối cảnh hạn hán đang diễn ra. Trong khi đó, tại Yemen, quốc gia trải qua 7 năm chiến tranh với hơn 20 triệu người cần viện trợ, nạn đói ngày càng gia tăng do nước này phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine.

Tại Afghanistan, cuộc khủng hoảng nhân đạo đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Khoảng 23 triệu người-hơn một nửa dân số Afghanistan-đang cần hỗ trợ khẩn cấp.

Cơn đói cũng càn quét Syria. Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Oxfam, cứ 10 người Syria thì có tới 6 người trong tình trạng “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Xung quanh thủ đô Damascus, người dân xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua bánh mì trợ cấp tại các tiệm bán hàng của nhà nước.

Moutaz Adham, Giám đốc Quốc gia của Oxfam tại Syria cho biết: “Syria phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu lúa mì từ Nga. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã buộc chính phủ Syria phải phân chia lương thực dự trữ, bao gồm lúa mì, đường, dầu và gạo cho người dân trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt và tăng giá lương thực. Nhưng đây có thể chỉ là sự khởi đầu ”.

Giá lương thực tăng từ lâu đã là chất xúc tác cho những biến động xã hội và chính trị ở các nước nghèo châu Phi và Arab. Nhiều nước phải trợ cấp cho người dân những mặt hàng chủ lực như bánh mì. Tuy nhiên, nền kinh tế và ngân sách của các nước này-vốn đã bị tác động tiêu cực bởi đại dịch và chi phí năng lượng tăng cao-khó có thể chống chịu với cú sốc giá lương thực.

Lạm phát đang là khởi nguồn cho các cuộc biểu tình ở Maroc, khuấy động tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang ở Sudan, khiến người dân Tunisia phải vật lộn với tình trạng giá thực phẩm nhập khẩu tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ hậu quả sâu rộng của cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, điều rõ ràng là thế giới đang đứng trước “bờ vực” của một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu sẽ có bao nhiêu sinh mạng bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng này?

P.V (theo QĐND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top