Hội nghị cấp cao các nước thành viên Hiệp định Abraham: Hướng tới triển vọng hòa bình ở Trung Đông

15:01 - Thứ Tư, 30/03/2022 Lượt xem: 4379 In bài viết

Hội nghị cấp cao giữa các bộ trưởng ngoại giao tham gia ký Hiệp định Abraham, bao gồm Mỹ, Israel, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Morocco vừa kết thúc sau 2 ngày làm việc (27, 28-3). Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề hướng tới triển vọng hòa bình ở Trung Đông như cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, vấn đề Palestine, thúc đẩy hợp tác giữa Israel và các nước trong khu vực.

Ngoại trưởng các nước thành viên Hiệp định Abraham tham gia cuộc họp lịch sử tại Israel.

Diễn ra tại thị trấn Sde Boker ở sa mạc Negev, miền Nam Israel, Hội nghị cấp cao giữa các bộ trưởng ngoại giao tham gia ký Hiệp định Abraham là sự kiện mang tính lịch sử giữa các nước tham gia ký Hiệp định Abraham năm 2020 về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Hồi giáo/Vùng Vịnh, trong đó Mỹ giữ vai trò trung gian then chốt. Ai Cập không tham gia ký hiệp định, nhưng là quốc gia đầu tiên trong khu vực thiết lập quan hệ chính thức với Israel từ năm 1980 nên cũng được mời tham gia hội nghị. Bên cạnh việc thảo luận thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế, các ngoại trưởng đã nhất trí đưa Hội nghị Negev thành một diễn đàn thường xuyên.

Đánh giá kết quả đạt được, Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Herzog cho biết: “Thời gian vừa qua, Trung Đông đã chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và địa chính trị sâu sắc. Các quốc gia cần phải hợp tác với nhau để chống lại tất cả những thách thức này”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, việc các nước tham gia ký Hiệp định Abraham đã biến “điều không thể thành có thể”, sau khi các bên chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác về kinh tế, giúp đời sống người dân các nước được cải thiện. Ông A.Blinken khẳng định Mỹ “đang và sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tiến trình vốn đang góp phần thay đổi khu vực”.

Gần 2 năm qua, kể từ khi ký Hiệp định Abraham, mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh nói trên đã được mở rộng, đáng chú ý là việc nối lại các chuyến bay thẳng và các thỏa thuận kinh tế. Tác động tích cực của Hiệp định Abraham thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa Israel và UAE. Hai bên đã mở đại sứ quán và triển khai một loạt cuộc thăm viếng ngoại giao cấp cao lẫn nhau. Hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ. UAE rất quan tâm đến đầu tư vào Israel và đã có các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD được ký kết. Đông đảo khách du lịch Israel sang UAE sau khi đường bay trực tiếp giữa hai nước được khai trương. Quan hệ quốc phòng và tình báo cũng được cải thiện, mặc dù diễn ra khá lặng lẽ.

Ngoài ý nghĩa thúc đẩy hợp tác giữa các nước tham gia Hiệp định Abraham, hội nghị còn được dư luận quan tâm vì đây là thời điểm đàm phán hạt nhân Iran đang ở giai đoạn then chốt, trước khi các nước phương Tây và Tehran đạt được thỏa thuận cuối cùng. Mới đây, Mỹ đã loại Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran khỏi danh sách các tổ chức bị Washington coi là khủng bố. Vì vậy, nhận lời tham gia Hội nghị Negev, Mỹ muốn gửi thông điệp trấn an sẽ tiếp tục có mặt và ủng hộ các đồng minh trong khu vực.

Dù không phải là nội dung chính thức, các ngoại trưởng cũng đã thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Đây là vấn đề được các bên quan tâm vì Hiệp định Abraham mang lại tác động tích cực cho quan hệ giữa các thành viên tham gia ký kết. Dư luận quốc tế hy vọng, các nước Arab tham gia Hiệp định Abraham sẽ có tiếng nói nhằm thúc đẩy đối thoại chấm dứt xung đột giữa 2 quốc gia này.

Dù còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, song Hội nghị cấp cao giữa các bộ trưởng ngoại giao tham gia ký Hiệp định Abraham đã cho thấy thiện chí hợp tác của các nước thành viên Hiệp định Abraham đối với những thách thức trong khu vực. Điều này chứng tỏ rằng các quốc gia đang nỗ lực phá vỡ cách tiếp cận thất bại trong quá khứ để mở ra “bình minh” của một Trung Đông mới.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top