Đức kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp về khí đốt: Đối phó nguy cơ gián đoạn nguồn cung

14:47 - Thứ Sáu, 01/04/2022 Lượt xem: 4834 In bài viết

Để chủ động nguồn cung năng lượng, Đức đã kích hoạt giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp quốc gia về khí đốt. Kế hoạch này được thiết kế nhằm giúp Đức đối phó với bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung từ Nga, sau khi Mátxcơva yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” thanh toán tiền khí đốt mua của Nga bằng đồng ruble, thay vì đồng euro hoặc USD.

Đức tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt để giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, trước những dấu hiệu nghiêm trọng về việc nguồn cung khí đốt sẽ bị gián đoạn, biện pháp này là bước đầu tiên mà ông gọi là giai đoạn "Cảnh báo sớm". Ông cũng đã yêu cầu thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng để tăng cường giám sát tình hình cung cấp khí đốt. Hai giai đoạn tiếp theo bao gồm việc phân bổ nguồn cung cấp được đặt tên là "Báo động" và "Khẩn cấp". Cũng theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, đây chỉ là một biện pháp phòng ngừa vì cho đến nay, Nga vẫn đang thực hiện các hợp đồng của mình. Tuy nhiên, căng thẳng giữa châu Âu và Nga đang đe dọa làm ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, như việc giá khí đốt tại châu Âu tăng tới 15% sau thông báo phải thanh toán bằng đồng ruble của Điện Kremlin.

Hiệp hội Công nghiệp năng lượng của Đức (BDEW) đã hoan nghênh động thái trên của chính phủ. Chủ tịch BDEW Kerstin Andreae nói rõ: “Mặc dù chưa thiếu khí đốt nhưng chúng ta cần có một lộ trình rõ ràng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn. Điều này có nghĩa là chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho các giai đoạn khẩn cấp...”.

Giai đoạn đầu tiên của kế hoạch dự kiến sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý các dòng khí đốt giữa các nhà khai thác đường ống, các công ty cung cấp và chính phủ. Giai đoạn cuối cùng sẽ bao gồm việc phân chia nguồn cung cấp, ưu tiên cho các hộ gia đình hơn là ngành công nghiệp. Bệnh viện, cơ sở chăm sóc và các cơ sở công cộng khác có nhu cầu đặc biệt sẽ là nơi cuối cùng bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn. Theo thống kê chính thức của Đức, hộ gia đình và công nghiệp đại diện cho hai nguồn cầu lớn nhất, chiếm 31% và 36% tổng nhu cầu sử dụng. Thương mại chiếm 13%. Trong khi nhu cầu từ lĩnh vực phát điện chủ yếu tập trung vào các nhà máy nhiệt điện có xu hướng không hoạt động vào mùa xuân và mùa hè.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Đức, giống như các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy nhanh các kế hoạch cắt giảm khí đốt do Mátxcơva cung cấp và đa dạng hóa nguồn cung. “Trung bình, Đức nhập khẩu 55% khí đốt từ Nga trong những năm gần đây và con số này hiện đã giảm xuống còn 40%”, Bộ trưởng R.Habeck tiết lộ Berlin đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Mátxcơva nhưng sẽ không đạt được độc lập hoàn toàn trước giữa năm 2024. Các quốc gia từ Đức đến Hà Lan hiện đã gấp rút công bố các dự án mới nhằm mang lại nhiều nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)...

Bất kỳ sự cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt nào cũng sẽ có tác động ngay lập tức đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Michael Vassiliadis, thành viên hội đồng quản trị của Công ty Hóa chất BASF cho biết, nếu giảm 50% nguồn cung khí đốt sẽ buộc công ty phải ngừng sản xuất tại Ludwigshafen - khu phức hợp hóa chất lớn nhất Lục địa già. Các ngành công nghiệp từ thép đến hóa chất của Đức sẽ đóng cửa trong vòng vài tuần nếu nguồn cung từ Nga bị cắt.

Các chuyên gia kinh tế Đức nhận định, sự phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga dẫn đến rủi ro là sản lượng kinh tế thấp hơn và thậm chí suy thoái với tỷ lệ lạm phát cao hơn. Vì vậy, Đức nên nhanh chóng làm mọi thứ có thể để đề phòng việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga và chấm dứt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ quốc gia này.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top