Các nước mạnh tay phòng chống tin giả

15:26 - Thứ Năm, 14/04/2022 Lượt xem: 3975 In bài viết

Tình trạng tin giả xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (MXH) đã tác động trực tiếp đến người dùng, ảnh hưởng kinh tế - xã hội và an ninh trật tự tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Chính phủ nhiều nước phải đưa ra biện pháp nhằm siết chặt quản lý, ngăn chặn rủi ro và các mối đe dọa tiềm ẩn.

88% lượng thông tin giả về Covid-19 xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.

Những vụ tin giả chấn động

Một trong những vụ gây thiệt hại khủng khiếp là bản tin giả được đăng trên MXH Twitter của hãng tin AP hồi tháng 4-2013. “Hai vụ nổ xảy ra ở Nhà Trắng và Tổng thống Barack Obama bị thương” - dòng chữ ngay lập tức lan truyền chóng mặt và khiến thị trường chứng khoán Wall Street chao đảo, mất khoảng 200 tỷ USD chỉ trong 3 phút. Hãng AP sau đó thông báo tài khoản của họ bị đánh cắp và không có vụ nổ nào. Dù thị trường hồi phục ngay sau đó nhưng giới đầu tư vẫn hoang mang trước sức phá hoại khủng khiếp của một mẩu tin giả.

Vụ tin giả điển hình liên quan đến dịch Covid-19 nhắm vào tỷ phú Bill Gates. Theo một điều tra mà báo New York Times thực hiện, các thuyết âm mưu gắn ông Bill Gates với đại dịch Covid-19 được nhắc tới 1,2 triệu lần trên truyền hình và mạng xã hội từ tháng 2 đến tháng 4-2020. Những thông tin sai lệch này trong các video trên YouTube (10 video được nhiều người theo dõi nhất có tổng cộng gần 5 triệu lượt xem) và hơn 16.000 status trên Facebook với gần 900.000 lượt tương tác và bình luận. Những nội dung kết nối tinh vi câu nói của vị tỷ phú trong các bài phát biểu và trả lời phỏng vấn với cáo buộc ông biết trước về đại dịch, thậm chí chủ mưu làm bùng phát đại dịch để tranh thủ kiếm lợi hay để triển khai các hệ thống giám sát và kiểm soát người dân.

Tin giả còn nhắm tới các nhân vật nổi tiếng. Tháng 10-2017, trang web Your News Wire đăng bài phỏng vấn diễn viên Morgan Freeman với đề nghị ông Donald Trump bỏ tù bà Hillary Clinton để khôi phục niềm tin vào chính quyền Mỹ. Your News Wire cho biết M.Freeman nói như vậy khi tham gia quảng bá bộ phim tài liệu The Story of Us của National Geographic nhưng không đưa ra được bằng chứng.

Tin giả không chỉ lũng đoạn chính trường Mỹ mà còn gây bão ở một số quốc gia khác. Tháng 9-2016, một video diễn văn tranh cử của ông Basuki Tjahaja Purnama, Thống đốc Jarkata, bị chỉnh sửa bằng cách tắt tiếng và ghi phụ đề bịa đặt rồi đưa lên Facebook, dẫn đến cáo buộc từ những người Hồi giáo bảo thủ rằng quan chức này phỉ báng kinh Koran. 3 cuộc biểu tình lớn đã nổ ra, khiến 1 người chết và 250 người bị thương. Ông B.Purnama phải hầu tòa vì cáo buộc này. Cảnh sát Indonesia sau đó cho biết đoạn video “được làm ra để truyền bá thông tin nhằm gây chống đối và thù hận”. Thủ phạm đã bị buộc tội và khai rằng làm video chỉ để... giải trí chứ không lường được tác động khủng khiếp của nó.

Kiểm soát và điều chỉnh hành vi

Kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Viện Internet Oxford tại Đại học Oxford, Viện công nghệ Massachusetts hay Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã chỉ ra “tin giả luôn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn, được phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với tin thật”. Kết quả nghiên cứu trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters chứng minh, trong thông tin sai lệch được nhóm nghiên cứu lựa chọn khảo sát liên quan đến dịch Covid-19 đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội, có đến 88% lượng tin giả xuất hiện trên MXH, trong khi con số này đối với truyền hình và trên báo chí lần lượt là 9% và 8%.

Tại khu vực ASEAN, Chính phủ Singapore là một trong những quốc gia đi đầu khu vực đã ban hành chính sách mạnh tay xử lý vấn nạn tin giả trên MXH. Quốc hội Singapore đã thông qua Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, hay còn gọi là Luật Chống tin giả. Luật áp dụng với các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, mục tiêu luật nhắm tới là các MXH như Facebook, YouTube, Twitter và nhắm đến tin sai sự thật. Luật của Singapore đưa ra nhiều mức phạt. Mức thấp nhất là phạt hành chính và cao nhất hình sự hóa đối với cá nhân tung tin giả mạo có chủ đích với mức phạt đến 100.000 SGD hoặc tối đa 10 năm tù, hoặc áp dụng cả hai. Đối với nhà cung cấp dịch vụ MXH nếu không tuân thủ quy định, có thể bị phạt đến 1 triệu SGD.

Tại châu Âu, các nước cũng ban hành nhiều luật liên quan đến phòng chống tin giả trên MXH. Chính phủ Đức ban hành Luật cải tiến chấp pháp tại các MXH (NetzDG), áp dụng từ năm 2018, nhằm ngăn chặn sự phát tán tin giả và phát ngôn gây thù hận. Luật áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ trên môi trường viễn thông có 2 triệu thành viên trở lên, nếu dưới 2 triệu thành viên sẽ được miễn trách nhiệm quy định theo luật. Tuy nhiên, đối tượng hướng đến theo NetzDG không phải là cá nhân người dùng, mà là doanh nghiệp cung cấp MXH như Facebook, Twitter và Google (với YouTube).

Trong khi đó, quốc hội Pháp cùng năm cũng thông qua Luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên MXH nhằm hạn chế tin thất thiệt có thể ảnh hưởng đến kết quả các cuộc bầu cử tại Pháp. Luật hình sự hóa tội danh tung tin thất thiệt, phạt tù 1 năm và phạt tiền đến 75.000 EUR với hành vi phát tán một cách có chủ ý và số lượng lớn thông tin sai lệch ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Luxembourg tham gia cuộc chiến chống tin giả bằng cách đưa các chương trình phát hiện tin giả vào trường trung học nhằm tăng kỹ năng nhận biết tin giả cho thế hệ trẻ.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin năm 2019 đã ban hành đạo luật mới có tên Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet nhằm kiểm soát và điều chỉnh hành vi con người trên không gian mạng. Đối tượng điều chỉnh là người dùng và nhà cung cấp dịch vụ. Mức phạt hành chính sẽ tăng dần theo 3 cấp độ: từ tạo ra mối đe dọa đến gây nhiễu loạn trong đời sống xã hội và cao nhất là gây chết người. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: trong 24 giờ không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, trang web chứa thông tin vi phạm sẽ bị đóng.

P.V (theo SGGP)
Bình luận

Tin khác

Back To Top