Mỹ thiếu hụt lao động do hạn chế nhập cư

15:41 - Thứ Tư, 20/04/2022 Lượt xem: 5073 In bài viết

Các nhà tuyển dụng Mỹ cho biết thật khó để tìm và giữ nhân tài. Nhân công hiện phải làm choàng nhiều việc, trong khi hàng triệu việc vẫn chưa có người làm. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lao động này phần lớn nằm ở chính sách hạn chế người nhập cư vào Mỹ.

Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng người nhập cư chăm sóc người cao tuổi.

Vào giữa thập niên 2010, mỗi năm Mỹ có thêm khoảng 1 triệu người nhập cư. Nhưng con số này đã chậm lại từ thời chính quyền ông Donald Trump, và chạm đáy khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020.

Theo ông David Kelly, chiến lược gia toàn cầu tại JPMorgan Funds, sự sụt giảm này phản ánh chính sách nhập cư khó khăn hơn do đại dịch. Sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, người nhập cư vẫn chưa trở lại Mỹ. Quá trình xử lý nhập cư cũng chưa phục hồi, trong khi nhiều lao động nước ngoài đã trở về nước của họ. Vào năm 2020, lượng người nhập cư vào Mỹ giảm xuống còn một nửa so với năm 2016; năm 2021 giảm xuống chỉ còn hơn 1/4.

Theo thống kê, trong lực lượng lao động của Mỹ hiện nay có chưa tới 2 triệu người nhập cư. Những ngành thiếu hụt nhân công nhiều nhất là các ngành trả lương thấp, chẳng hạn như giải trí, khách sạn, bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Hai nhà kinh tế học Giovanni Peri và Reem Zaiour của Đại học California viết: “Các lĩnh vực đặc biệt phụ thuộc vào lao động nhập cư có tỷ lệ việc làm thấp hơn đáng kể vào năm 2021”. Người nhập cư đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế Tara Watson tại Đại học Williams, có 1/5 y tá, 1/4 trợ lý y tá và gần 1/5 quản gia, người làm vườn là người nhập cư. Sự sụt giảm nhập cư trùng với các xu hướng nhân khẩu học khác đang ảnh hưởng đến lực lượng lao động Mỹ. Người Mỹ đang nghỉ hưu hàng loạt trong khi thế hệ kế cận chưa đến tuổi lao động. Sự thay đổi nhân khẩu này tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch.

Năm 2021 cũng là năm chứng kiến mức gia tăng dân số chậm nhất kể từ khi nước Mỹ được thành lập, và một nguyên nhân chính là do sự sụt giảm nhập cư. Tỷ lệ sinh của Mỹ đã giảm trong nhiều năm, đến mức nhập cư là động lực chính của sự gia tăng dân số.

Theo ông Kelly, với việc khan hiếm nhân công và chi phí nhân công tăng cao, các doanh nghiệp sẽ tìm cách tự động hóa nhiều hơn để bớt sử dụng nhân công. Quan trọng là một số ngành cần con người thực, như chăm sóc sức khỏe, lại không thể tự động hóa.

Điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến an sinh xã hội, khi số người già cần được chăm sóc ngày càng tăng. Gần 10% cư dân viện dưỡng lão ở Mỹ đã chết vì dịch Covid-19 trong năm đầu tiên của đại dịch (2020), một tỷ lệ cao đáng báo động, vượt xa tỷ lệ nói chung của người Mỹ cao tuổi. Nhiều gia đình đã do dự, không muốn chuyển những người thân cao tuổi vào các cơ sở chăm sóc khi virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan.

Như vậy, cần có đội ngũ chăm sóc người già đến tận nhà. Người nhập cư chiếm đa số trong lĩnh vực này nhưng được trả lương thấp hơn. Hầu hết các tiểu bang đã tận dụng sự linh hoạt trong chương trình Medicaid để cho phép người Mỹ lớn tuổi được chăm sóc bảo hiểm tại nhà riêng hoặc tại các trung tâm y tế địa phương. Medicaid chi 95 tỷ USD mỗi năm cho các dịch vụ việc làm không cần thường trú nhân này.

Sự thành công của những nỗ lực như vậy phụ thuộc vào sự sẵn có của những lao động nhập cư. Nhưng hệ thống nhập cư không hoạt động đã làm chậm dòng chảy nhân viên chăm sóc sức khỏe từ nước ngoài vào Mỹ, hạn chế các lựa chọn cho những người Mỹ già yếu muốn ở nhà, đồng thời gây tăng thêm chi phí và căng thẳng cho các gia đình.

P.V (theo SGGP)
Bình luận

Tin khác

Back To Top