Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria: Nỗ lực duy trì ổn định kinh tế

07:45 - Thứ Sáu, 29/04/2022 Lượt xem: 6912 In bài viết

Việc dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria không chỉ khẳng định quan điểm “nói là làm” của Nga, mà còn là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm nỗ lực duy trì ổn định kinh tế trước các lệnh trừng phạt. Thực tế này đồng nghĩa các nước châu Âu cần sớm có cách ứng phó thích hợp để tránh gặp rủi ro về kinh tế - xã hội.

Phần lớn lượng khí đốt tiêu thụ ở Bulgaria hằng năm đều phải nhập khẩu từ Nga.

Từ ngày 27-4, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lý do hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Động thái này diễn ra sau tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin về việc Mátxcơva sẽ yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” thanh toán khí đốt thông qua Ngân hàng Gazprombank và bằng đồng rúp thay vì đồng euro hoặc USD.

Ba Lan và Bulgaria cũng là những quốc gia đầu tiên tại châu Âu bị cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Trước mắt, Warsaw khẳng định “các kho chứa đang ở mức 76% và chưa cần dùng tới lượng dự phòng”; trong khi Sofia bày tỏ tự tin chưa phải áp dụng các biện pháp hạn chế tiêu thụ. Tuy nhiên, việc tính trước các phương án dự phòng là bắt buộc, khi hai nước hiện rất kỳ vọng vào việc có thể khởi động các đường ống dẫn khí mới, trong đó có đường ống Baltic Pipe nối Ba Lan với Na Uy và đường ống IGB nối Bulgaria với Hy Lạp.

Tuy vậy, những gì diễn ra với Ba Lan và Bulgaria đã khiến châu Âu trở nên gấp rút hơn trong việc tìm cách bảo đảm an ninh năng lượng. Không chỉ giúp ổn định kinh tế - xã hội, mà đây còn là tiền đề quan trọng để các nước có thể tuân thủ các biện pháp trừng phạt Nga theo quan điểm chung. Hiện nay, ngoài Anh, Pháp, Ireland và một số nước Baltic, hầu hết các nền kinh tế châu Âu đều phụ thuộc đáng kể vào năng lượng của Nga. Năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu khoảng 40% khí đốt của Nga. Thậm chí, trong khoảng thời gian xung đột tại Ukraine, các thành viên EU vẫn mua khoảng 35 tỷ euro năng lượng của xứ Bạch dương bất chấp các rào cản tài chính và vận tải. Để thay thế nguồn cung này, nhiều nước hiện tìm cách mua lại khí đốt từ các quốc gia láng giềng, tận dụng nguồn cung từ Mỹ bằng đường biển…

Những nỗ lực này càng quan trọng trong bối cảnh yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp được giới quan sát nhận định không phải chính sách nhất thời - dù có thể khiến Mátxcơva đối mặt với nguy cơ bị kiện vì vi phạm các hợp đồng mua bán năng lượng. Theo tạp chí Fortune, cách làm này giúp Nga tránh tình huống đồng rúp sụp đổ, khiến người gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nội địa ồ ạt rút tiền, gây ra khủng hoảng tài chính. Còn theo The Guardian, việc giá trị đồng rúp được nâng cao không chỉ có lợi cho xuất khẩu của Nga, mà còn tạo tiền đề cho phép đồng tiền này thách thức vị thế USD trên thị trường tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế còn nhận định, việc Nga chọn khí đốt để thay đổi hình thức thanh toán lúc này chủ yếu bởi quy mô xuất khẩu khổng lồ của mặt hàng này. Hiện, khoảng 58% lượng khí đốt bán cho châu Âu được thanh toán bằng đồng euro, phần còn lại là bằng USD (39%) và bảng Anh (3%) - theo số liệu của Gazprom. Mỗi ngày, châu Âu đang trả 200-800 triệu euro tiền khí đốt cho Nga - theo số liệu của Hãng Tư vấn năng lượng Rystad Energy. Thời gian tới, những mặt hàng thế mạnh khác từng được Mátxcơva đề cập yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp còn có phân bón, hay nguyên liệu và phụ tùng ô tô…

Như vậy, những gì Ba Lan và Bulgaria đang đối mặt mới chỉ là “màn dạo đầu” trong một chiến lược ứng phó rộng lớn hơn mà Nga có thể triển khai đối với các nước “không thân thiện” - chủ yếu là những nước đang ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt Mátxcơva. Trong bối cảnh đó, các quốc gia có liên quan cần sớm tìm giải pháp phù hợp, tránh gặp rủi ro về kinh tế - xã hội.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top