EU xem xét đình chỉ trợ cấp cho Hungary: Bất đồng không dễ hóa giải

14:31 - Thứ Tư, 04/05/2022 Lượt xem: 4908 In bài viết

Trong một động thái chưa từng thực hiện kể từ ngày sáng lập cách đây 65 năm, Ủy ban Châu Âu (EC) đã tiến hành một thủ tục tố tụng có thể dẫn đến việc đình chỉ hoặc cắt giảm các khoản trợ cấp từ các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hungary. Quyết định này được đưa ra chỉ 3 tuần sau khi Tổng thống Hungary Viktor Orban tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư; đồng thời cho thấy những bất đồng không dễ hóa giải giữa quốc gia này và EU.

Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban phải giải trình những vấn đề mà Ủy ban Châu Âu quan ngại.

Theo thông báo từ EC, các nhà lãnh đạo EU quan ngại về cách mà Hungary sử dụng ngân sách viện trợ của châu Âu, liên quan đến các điều kiện bàn giao hợp đồng công, sử dụng quỹ thiếu minh bạch và thiếu kiểm soát cũng như những hạn chế trong công tác chống tham nhũng. Điều này có thể làm chệch mục tiêu các khoản viện trợ phục hồi trị giá khoảng 7,2 tỷ euro mà EU dự định cấp cho Hungary.

Theo thủ tục, tiến trình tố tụng có thể kéo dài đến 9 tháng. Trong đó, Hungary có 2 tháng để giải trình, EC sẽ có 1 tháng để đánh giá báo cáo của Budapest trước khi đưa ra các hành động tiếp theo. Quyết định của EC nhằm vào Hungary được thực hiện dựa trên nguyên tắc pháp quyền, được các nước thành viên thông qua vào cuối năm 2020.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Chính phủ Hungary và EU nảy sinh khá nhiều bất đồng. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Viktor Orban không ít lần đưa ra quyết định đi ngược lại với các thể chế của EU. Gần đây nhất là cuối năm 2021, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phủ nhận phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu, vốn khẳng định Budapest vi phạm luật bảo vệ người di cư của EU vì đã trục xuất họ đến biên giới với Serbia.

Tòa án Hiến pháp Hungary cho rằng, nước này được quyền áp dụng biện pháp riêng trong những lĩnh vực EU chưa có các bước thích hợp để thực hiện quy tắc chung. Tuy nhiên, theo quan điểm của EC, một khi đã gia nhập EU, các nước thành viên đều phải chấp nhận nguyên tắc rằng, luật chung của khối sẽ có vị thế cao hơn và được ưu tiên áp dụng hơn luật của các quốc gia thành viên. Nói cách khác, phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hungary đã thách thức tiến trình nhất thể hóa châu Âu.

Hồi cuối năm ngoái, EC cũng đã gửi thư tới lãnh đạo Hungary yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến mua sắm công, xung đột lợi ích và tham nhũng trong chi tiêu liên quan tới quỹ của EU. Theo báo cáo từ Văn phòng Chống gian lận của EU (OLAF), gần một nửa các dự án đấu thầu công khai ở Hungary “có vấn đề” liên quan tới tính minh bạch. Bên cạnh đó, OLAF đưa ra số liệu cho thấy sự bất thường trong cách sử dụng gần 4% quỹ của EU trong giai đoạn 2015-2019. EC cũng đã trích dẫn những thiếu sót dai dẳng trong cơ chế tài trợ của các đảng chính trị Hungary và sự chuyên quyền trong cơ quan hành chính cấp cao của quốc gia này.

Theo các nhà phân tích, nếu EU chính thức đình chỉ gói hỗ trợ, nền kinh tế Hungary sẽ đối mặt nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ngân hàng Quốc gia Hungary dự báo, lạm phát tại nước này trong giai đoạn 2022-2023 có thể lên tới 7,5-9,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đứng trước nguy cơ thấp hơn so với dự kiến, ước tính chỉ khoảng 2,5-4,5%, do nhiều kênh thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Sau “cú sốc” Anh rời khỏi EU vào năm 2020, những bất đồng trong quan điểm hành động ngày càng gia tăng giữa các thành viên, đặc biệt là các quốc gia phía Đông như Hungary, Ba Lan, Bulgaria cho thấy, vết rạn đang ngày càng lan rộng và đe dọa mục tiêu nhất thể hóa - vốn là niềm tự hào của liên minh suốt nhiều thập kỷ qua. Không ít nhận định tỏ ra quan ngại về tương lai của Hungary trong EU nếu “độ vênh” về tư pháp cũng như chính sách chống tham nhũng không được giải quyết một cách ổn thỏa.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top