Ngành hàng không khó “cất cánh” sau đại dịch

07:48 - Thứ Năm, 05/05/2022 Lượt xem: 5552 In bài viết

Các hãng hàng không thương mại đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng cường lịch trình bay, sau hơn hai năm buộc phải cất máy bay, cắt giảm nhân lực và đối mặt nợ nần chồng chất do cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài cùng các lệnh hạn chế đi lại. Theo một cuộc khảo sát phi công toàn cầu đầu năm 2022, chỉ có 62% số phi công còn việc làm và khoảng 20% đã bỏ nghề.

Các máy bay thương mại đỗ kín đường băng trong giai đoạn hạn chế đi lại. (Ảnh REUTERS)

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu bay giảm mạnh đột ngột đã gây ra tình trạng dư thừa phi công, nhưng đến nay, các hãng hàng không lại phải chật vật tìm kiếm nhằm tuyển dụng những phi công mới. Mặc dù tiến trình mở cửa trở lại cho thấy sự cải thiện so với năm 2021, song cuộc khảo sát năm nay cũng chỉ ra sự thất vọng lớn trong nhóm phi công thương mại sau thời gian dài bị giảm hoặc mất thu nhập, đe dọa quá trình phục hồi của ngành hàng không trong dài hạn. Sự thiếu hụt phi công đang dần trở thành một vấn đề toàn cầu.

Trong thời gian đại dịch, để tiết kiệm chi phí, nhiều hãng hàng không đã đưa ra các ưu đãi nghỉ hưu sớm cho nhóm phi công lâu năm nhất của họ, những người thường được hưởng mức lương cao nhất. Khi đại dịch được kiểm soát và nhu cầu bay tăng trở lại, nhu cầu về phi công cũng tăng theo, tuy nhiên, các hãng hàng không lại có ít phi công hơn so với trước đại dịch. Bởi số lượng phi công nghỉ hưu sớm chiếm tới 15% lực lượng tại một số hãng hàng không. Nhiều hãng hàng không ở Mỹ thậm chí đã bắt đầu nhìn xa hơn khu vực, tới tận Australia để thuê, tuyển phi công mới.

Các chuyên gia dự báo, ngành hàng không thế giới sẽ thiếu khoảng 34.000 phi công thương mại (gần 10% tổng lực lượng trong ngành) vào năm 2025 nếu nhu cầu toàn cầu về du lịch trong nước và quốc tế tăng quá mức của năm 2019. Sự thiếu hụt này có thể tăng lên 50.000 phi công nếu nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến. Một trong những lý do căn bản khiến nguồn cung phi công rất hạn chế là nhiều người không đủ khả năng tài chính để tham gia khóa đào tạo phi công. Do tình trạng thiếu hụt còn tiếp diễn, các hãng hàng không nhỏ sẽ buộc phải kết hợp với những hãng lớn hơn hoặc hủy bỏ nhiều chặng bay.

Ở Mỹ, những hãng hàng không như JetBlue và Spirit đã cắt giảm từ 5% đến 10% lịch trình mùa hè của họ để tập trung vào tuyển dụng, trong bối cảnh Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS) ước tính ngành hàng không nước này cần 14.500 phi công mới mỗi năm trong thập niên tới để đáp ứng thị trường bay thương mại. Ðể cạnh tranh, nhiều hãng hàng không đã thay đổi chính sách tăng lương và thưởng cao hơn nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Khi tình trạng thiếu phi công còn chưa có lời giải, các hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines hay American Airlines thậm chí đã có kế hoạch sử dụng xe buýt thay thế một số chặng bay ngắn. Delta Airlines mới đây cũng đưa ra thông báo sẽ giảm các yêu cầu về trình độ học vấn đối với các phi công tương lai, bỏ yêu cầu có bằng đại học bốn năm.

Sự thiếu hụt phi công đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không do khiến số lượng chuyến bay giảm, đẩy giá vé máy bay tăng vọt vì sẽ có ít chỗ ngồi hơn và các hãng hàng không cần phải kiếm lợi nhuận để duy trì hoạt động kinh doanh. Các chuyến bay thẳng đến các thành phố nhỏ hơn có thể bị loại bỏ dần khỏi mạng lưới các hãng hàng không và số lượng các chuyến bay thẳng mỗi tuần có thể giảm mạnh. Sự thiếu hụt phi công sẽ hạn chế mức phục hồi của ngành và với vai trò quan trọng của vận tải hàng không (chiếm khoảng 4% GDP toàn cầu), sự phục hồi chậm hơn sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top