Lo ngại lạm phát đình trệ toàn cầu

14:57 - Thứ Năm, 05/05/2022 Lượt xem: 5747 In bài viết

Trong vài tháng gần đây, lạm phát tăng lên mức hai con số trong khi tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới ngừng trệ, đã gây nên tình trạng lạm phát đình trệ toàn cầu. Thực tế này trái ngược với kỳ vọng trước đó của nhiều nhà kinh tế, khi cho rằng năm 2022 kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Người thất nghiệp ở Mỹ xếp hàng chờ lấy thức ăn từ thiện. Ảnh: NBC

Cú sốc hàng hóa

Các chuyên gia kinh tế cho biết, lạm phát đình trệ là đáng ngại bởi khó có thể ngăn chặn một khi tình trạng này xảy ra. Lạm phát đình trệ cũng gây tác động nghiêm trọng và lâu dài đối với doanh nghiệp, tầng lớp trung lưu và các hộ gia đình có mức lương thấp. Các nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại về nguy cơ lạm phát đình trệ do có rất ít công cụ tiền tệ để giải quyết vấn đề. Tăng lãi suất có thể giúp giảm lạm phát, song chi phí đi vay tăng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ lỏng lẻo có nguy cơ đẩy giá lên cao hơn.

Tờ Financial Times dẫn lời ông Indermit Gill, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết, đây là “cú sốc hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970”. Ông nhận định, giá các loại hàng hóa có thể tăng cao hơn hiện tại nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài hoặc các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga được áp đặt. Cú sốc lạm phát đình trệ năm 2022 thực sự mang tính toàn cầu, với hầu hết quốc gia ghi nhận xu hướng tăng giá bất ngờ và hoạt động kinh tế suy giảm trong vài tháng qua trong khi kỳ vọng tăng trưởng xấu đi.

Các nhà kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt trung bình 3,3% trong năm nay, giảm so với mức 4,1% được dự đoán tháng 1 trước khi xảy ra cuộc xung đột. Lạm phát toàn cầu được dự báo ở mức 6,2%, cao hơn 2,25% so với dự báo vào tháng 1. Dự báo tăng trưởng tại châu Á cũng đã được điều chỉnh giảm do cuộc xung đột ở Ukraine, nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn cũng như nhu cầu yếu hơn do các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc. Mặc dù thấp hơn so với các khu vực khác nhưng lạm phát tại châu Á cũng đang tăng sau khi giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh trên toàn cầu.

Người nghèo chịu thiệt

Các chuyên gia dự báo, lạm phát toàn cầu sẽ tăng trong năm tới, trong khi kỳ vọng tăng trưởng đang xấu đi, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận kinh doanh và sức mua của các hộ gia đình.

Cũng theo Financial Times, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết, tác động của cuộc xung đột ở Ukraine “đang được cảm nhận trên toàn thế giới khi giá năng lượng và lương thực tăng cao, tác động đến những khu vực dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở châu Phi và Trung Đông”. Cú sốc kinh tế do cuộc xung đột được thấy rõ nhất ở châu Âu, đặc biệt là ở những nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Ngay cả khi việc cung cấp khí đốt không bị ngừng lại, tăng trưởng của eurozone đã chậm lại ở mức 0,2% trong quý 1-2022, trong khi lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục 7,5%. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics Andrew Kenningham nhận định, 2022 sẽ là năm lạm phát đình trệ tại eurozone. Ông chỉ ra rằng, giá năng lượng cao khiến lạm phát tăng, thắt chặt thu nhập hộ gia đình và làm giảm niềm tin của doanh nghiệp.

“Mỹ cũng đang phải đối mặt với rủi ro lớn nhất là lạm phát kịch tính và vòng xoáy giá cả tiền lương”, theo nhà kinh tế Anatole Kaletsky tại Công ty nghiên cứu đầu tư Gavekal có trụ sở tại Anh. Lạm phát tại Mỹ đạt 8,5% vào tháng 3 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong khi nền kinh tế suy giảm trong quý đầu tiên. Áp lực giá trong nước do tiền lương tăng và lạm phát cơ bản cao ảnh hưởng đến giá năng lượng và thực phẩm, đã thúc đẩy khả năng tăng lãi suất ở Anh và Mỹ.

Theo công cụ FedWatch của Tập đoàn CME (Mỹ), khả năng lãi suất huy động vốn của Mỹ sẽ ở mức 1,5% vào tháng 6, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp trong cuộc họp vào ngày 5-5, lên 1% khi quốc gia này đối mặt với tốc độ lạm phát cao nhất trong 30 năm.

P.V (theo SGGP)
Bình luận
Back To Top