Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa mì:

Thêm nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu

07:57 - Thứ Tư, 18/05/2022 Lượt xem: 6296 In bài viết

Lúa mì đã tăng giá rất cao do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine - hai quốc gia chiếm gần 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Giờ đây, việc Ấn Độ - vựa lúa mì có sản lượng thứ hai thế giới - ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này khiến nhiều nước thêm lo ngại về an ninh lương thực trên toàn cầu.

Ấn Độ dừng xuất khẩu lúa mì nhằm bảo đảm an ninh lương thực của đất nước.

Chính phủ Ấn Độ cho biết, lệnh dừng xuất khẩu lúa mì nhằm bảo đảm an ninh lương thực tổng thể của đất nước. Theo đó, tất cả các thương vụ xuất khẩu lúa mì kể từ thời điểm ban hành lệnh cấm phải có sự cho phép của Chính phủ. Tuy nhiên, lệnh cấm không can thiệp vào các thỏa thuận xuất khẩu có từ trước. New Delhi cũng để ngỏ khả năng chấp thuận xuất khẩu tới một số quốc gia có nhu cầu lúa mì để “bảo đảm an ninh lương thực”, nhằm hỗ trợ các nước láng giềng cũng như những nước dễ bị tổn thương.

Theo giới chuyên môn, Ấn Độ có nhiều lý do để lo ngại về vấn đề lương thực vào lúc này. Bên cạnh lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, nắng nóng nghiêm trọng cũng ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp. Tháng 3 và tháng 4 vừa qua, quốc gia này chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục trong 100 năm tại một số khu vực. Nhiều địa phương, trong đó có thủ đô New Delhi ghi nhận nhiệt độ vượt ngưỡng 45 độ C. Theo ước tính của Chính phủ Ấn Độ, những đợt nắng nóng gay gắt và bất thường sẽ còn kéo dài nhiều tuần nữa, khiến sản lượng lúa mì nửa đầu năm 2022 dự kiến giảm 5%, còn 105 triệu tấn. Đây là bất lợi khi nước này đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung lương thực cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt.

Thực tế, Ấn Độ gần đây đã liên tục phải “bù” khoảng trống mà Nga và Ukraine để lại trên thị trường. Trước xung đột Nga - Ukraine, Ukraine xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng biển, chiếm 12% thị phần lúa mì, 15% thị phần ngô và 50% thị phần dầu hướng dương của thế giới. Xung đột nổ ra làm cho các tuyến hàng hải ở Biển Đen bị đóng cửa do cấm vận, dẫn đến việc 90% lượng ngũ cốc từ Nga và Ukraine không thể vận chuyển ra thị trường nước ngoài. Hệ quả là, khoảng 20 triệu tấn lúa mì vẫn tồn trong các kho chứa tại Ukraine. Cùng với đó, sản lượng lúa mì suy giảm ở Canada và Argentina do thời tiết xấu khiến thị trường nông sản toàn cầu chịu sức ép chưa từng có.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, nguồn cung loại lương thực này của toàn cầu trong năm 2022 sẽ lần đầu giảm sau 4 năm. Tâm lý lo ngại trước hàng loạt biến cố khiến phiên giao dịch ở thị trường châu Âu ngày 16-5 ghi nhận giá lúa mì vọt lên mức 453 USD/tấn. Tương tự, sàn giao dịch Chicago ghi nhận giá lúa mì chốt phiên ở mức 11,67 USD/giạ - tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Như vậy, mặt bằng chung giá lúa mì đã cao hơn 80% so với cách đây 1 năm.

Dĩ nhiên, Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất hạn chế xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp chủ lực. Trước đó, Indonesia cũng hạn chế xuất khẩu dầu ăn, Argentina tạm dừng xuất khẩu thịt bò… Trong bối cảnh xáo trộn chung như vậy, dễ hiểu khi nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại trước quyết định mới của New Delhi. Phát biểu tại một cuộc họp ngày 14-5, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir cho rằng, nếu quốc gia nào cũng dừng xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp chủ lực, tình hình thế giới sẽ trở nên tồi tệ. Chung quan ngại, Swithun Still - một doanh nhân trong lĩnh vực ngũ cốc tại Thụy Sĩ cho rằng, tâm lý hoang mang sẽ bao trùm thị trường lương thực thế giới trong những ngày tới. 

Có thể thấy, ngoài an ninh năng lượng, an ninh lương thực đang trở thành lĩnh vực nóng tiếp theo xuất hiện do những hệ lụy từ xung đột Nga - Ukraine. Do đó, việc sớm tìm ra lời giải cho cuộc xung đột sẽ là chìa khóa để giải tỏa những phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất định mà nhân loại đang phải đối mặt.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top