Nhằm tạo thống nhất để giám sát và phản ứng tốt hơn đối với bệnh đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã loại bỏ sự phân biệt giữa các nước coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu và không phải bệnh đặc hữu.
Quyết định của WHO được đưa ra ngày 18/6, trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ vốn chỉ được biết đến ở khu vực Tây và Trung Phi, nhưng nay đã xuất hiện tại nhiều châu lục khác trên thế giới. Dự kiến, WHO họp khẩn vào ngày 23/6 tới, để xác định xem liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ngoài khu vực Tây và Trung Phi có trở thành tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế hay không.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO cho biết, đến ngày 16/6 đã có 8 nước châu Phi báo cáo các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, Nigeria ghi nhận 36 ca, CHDC Congo 10 ca, CH Trung Phi 8 ca, Benin và Cameroon mỗi nước 3 ca, CH Congo 2 ca. Chưa từng ghi nhận bệnh này, Ghana và Maroc hiện cũng có 5 ca Ethiopia, Guinea, Liberia, Mozambique, Sierra Leone, Sudan và Uganda cũng thông báo các ca nghi nhiễm.
Bộ Y tế Chile đã xác nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên là một nam giới trẻ tuổi vừa trở về từ châu Âu. Cơ quan y tế Chile cho biết bệnh nhân đã được cách ly theo quy định và nước này đã chuẩn bị để đối phó từ vài tuần trước. Tại châu Mỹ, Chile là quốc gia thứ 7 ghi nhận có ca bệnh đậu mùa khỉ, sau Argentina, Brazil, Canada, Mỹ, Mexico và Venezuela.
Cơ quan Y tế Công cộng Toronto ở Canada tổ chức hai cơ sở tiêm vắc-xin cho những người có nguy cơ cao nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ. Đến nay, Toronto đã ghi nhận 26 trường hợp mắc bệnh, trong tổng số 30 ca của tỉnh Ontario. Tất cả các trường hợp mắc bệnh ở Ontario đều là nam giới, trong độ tuổi từ 25 đến 59.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Italia ngày 17/6 cho biết, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này đã lên 71 người. Viện Y tế công cộng của Serbia cũng xác nhận trường hợp đầu tiên tại nước này mắc bệnh đậu mùa khỉ. Giới chức y tế Serbia đã tiến hành điều tra dịch tễ học về trường hợp này.