Một đợt sóng nhiệt khắc nghiệt vừa bao phủ châu Âu với nhiệt độ tại các quốc gia cao ở mức kỷ lục, trong khi các vụ cháy rừng và tình trạng khô hạn tiếp tục hoành hành. Một lần nữa, thiên nhiên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người rằng, những hệ lụy của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và sẽ là mối đe dọa lớn trong dài hạn nếu chúng ta không kịp thời hành động.
Người dân Pháp, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu đã trải qua những ngày hè tháng 6 "đổ lửa" với nắng nóng gay gắt bất thường và nhiệt độ tăng cao ở mức kỷ lục. Nhiệt độ tại nhiều địa phương của Pháp vượt ngưỡng 40oC. Trong khi đó, kỷ lục nhiệt độ mới trên toàn nước Ðức được ghi nhận từ ngày 11 đến 21/6 là 39,2oC. Tại Italia, đợt nắng nóng, khô hạn xảy ra ở các vùng Lombardy và Piedmont gây mất điện. Theo giới chức Italia, hạn hán đe dọa làm sụt giảm hơn 30% sản lượng nông nghiệp quốc gia và thiệt hại ước tính hơn hai tỷ euro.
Ở Tây Ban Nha, tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều, khi vừa ghi nhận một vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử. Ðám cháy rừng xảy ra ở tỉnh Zamora đã thiêu rụi 30.800ha đất rừng. EU phải điều động các trực thăng và máy bay cứu hỏa luôn trong tình trạng sẵn sàng để hỗ trợ các nước.
Nếu như trước đây, các đợt nắng nóng ở châu Âu thường xảy ra vào tháng 7 và 8 thì năm nay lại xảy ra từ tháng 6. Không quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, có thể "miễn nhiễm" với những hệ lụy nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, trong tổng số hai triệu người tử vong vì các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra trong giai đoạn 1970-2019, gần 10% là do nhiệt độ tăng cao. Còn theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các đợt nắng nóng tại châu lục này là nguyên nhân gây ra 90% số người tử vong liên quan tới khí hậu trong giai đoạn 1980-2022.
Nhiều sáng kiến được thúc đẩy để giảm tác động của thời tiết cực đoan đối với sức khỏe, như xây nhiều đài phun nước ở thành phố, thay đổi vật liệu xây dựng các tòa nhà, tận dụng ban-công, tường… để làm vườn theo xu hướng nông trại đô thị. Song, một trong những phương án tối ưu và bền vững để bảo vệ con người chính là cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Mặc dù Liên hợp quốc từng kỳ vọng COP27 sẽ chứng kiến "những bước ngoặt" về ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng thực tế cho thấy triển vọng này còn xa vời.
Tại Hội nghị khí hậu giữa năm của Liên hợp quốc diễn ra ở thành phố Bonn của Ðức vừa qua, các nhà đàm phán không đạt được tiến bộ thực chất nào nhằm khống chế sự nóng lên của Trái đất, đặc biệt là về việc thiết lập cơ sở tài chính để đối phó những tổn thất do thời tiết cực đoan. Bởi vậy, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa kêu gọi các nước đưa ra "những quyết định chính trị lớn" về vấn đề tài chính tại COP27.
Tình hình căng thẳng hiện nay ở Ukraine cũng tạo thêm rào cản cho các nỗ lực vì khí hậu, khi một số quốc gia có kế hoạch sử dụng nhiều than đá hơn để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cảnh báo, con người đang tự đặt mình vào "vòng xoáy của sự hủy diệt". Liên hợp quốc thúc giục đẩy mạnh hợp tác vì hành tinh xanh, theo đó mọi chính phủ, doanh nghiệp, công dân đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn, thực hiện một cách công bằng các giải pháp vì khí hậu.