Quan hệ Australia - Pháp: Sẵn sàng cho một chương hợp tác mới

07:04 - Thứ Ba, 05/07/2022 Lượt xem: 5840 In bài viết

Mối quan hệ giữa Australia - Pháp đã được cải thiện đáng kể sau chuyến thăm của tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới đất nước hình Lục lăng vào cuối tuần trước. Kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Thủ tướng A.Albanese cho thấy hai bên đã sẵn sàng cho một chương hợp tác mới.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (bên trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp tại Paris.

Theo Hãng truyền thông France 24, việc Australia và Pháp hàn gắn quan hệ như một sự tất yếu vì hai nước là đối tác tự nhiên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời là những quốc gia gần gũi, chia sẻ các giá trị và lịch sử. Bên cạnh đó, người dân Australia cũng có thiên hướng tin tưởng quốc gia ở châu Âu. Về thương mại, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ hai chiều đạt hơn 6,7 tỷ USD/năm. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Pháp. Trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, xã hội, Pháp là nguồn cung cấp sinh viên lớn thứ 5 từ châu Âu cho các trường cao đẳng, đại học tại Australia. Có khoảng 440 thỏa thuận hoặc biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học hai nước về hợp tác và nghiên cứu khoa học. Thỏa thuận về lao động song phương cũng giúp đưa hơn 200.000 công dân Pháp đến làm việc tại Australia. Ngược lại, Pháp đón hơn 1,2 triệu khách du lịch Australia mỗi năm.

Mối quan hệ giữa Australia và Pháp rạn nứt từ năm ngoái khi Australia bất ngờ hủy hợp đồng tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường với Pháp để chuyển sang thực hiện thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ đối tác an ninh mới với Mỹ và Anh (AUKUS). Cụ thể, Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.

Để thể hiện thiện chí nhằm hàn gắn mối quan hệ, trước chuyến thăm của Thủ tướng A.Albanese, Chính phủ Australia tuyên bố sẽ trả 830 triệu AUD (580 triệu USD) tiền bồi thường cho Tập đoàn Naval của Pháp vì đã hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với hãng này. Theo nhận định của Thủ tướng A.Albanese, khoản bồi thường nói trên là "công bằng và bình đẳng", đồng thời cho phép tái thiết lập quan hệ song phương tốt đẹp hơn.

Trong bản tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh, Australia và Pháp là hai quốc gia của cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có chung lịch sử hợp tác lâu dài trong khu vực, bao gồm các vùng lãnh thổ thuộc Pháp như New Caledonia, Polynesia, Wallis và Futuna và đảo Reunion. Hai nước chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa nhập và kiên cường, dựa trên đối thoại và các sáng kiến chung với các đối tác trong khu vực.
Để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển, hai nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập một chương trình hợp tác mới dựa trên ba trụ cột: Quốc phòng - an ninh; khả năng phục hồi - hành động vì khí hậu; giáo dục - văn hóa. Đáng chú ý, hai bên cam kết cùng nhau bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc và tính toàn vẹn của luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng cho an ninh và thịnh vượng chung ở cả châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí hình thành mối quan hệ quốc phòng mới, tăng cường hợp tác và trao đổi về các lợi ích an ninh chung, bao gồm các hoạt động hàng hải chung, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ nhân đạo trong khu vực Thái Bình Dương. Đi kèm với đó là các cam kết tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục và thể thao song phương và trong cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp và Australia khẳng định sẽ đưa ra các sáng kiến tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, nâng cao khả năng chống chịu trong không gian mạng, công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Giới quan sát nhận định, Pháp và Australia khôi phục và đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ sẽ giúp thúc đẩy các lợi ích quốc gia cũng như sự ổn định, thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top