Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc:

Đối mặt nhiều thách thức

08:12 - Thứ Hai, 11/07/2022 Lượt xem: 5507 In bài viết

Chưa có khi nào thế giới lại phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và nguy cơ bất ổn như hiện nay. Nếu các quốc gia không sớm cùng nhau tìm ra giải pháp, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sẽ bị “lỡ hẹn” vào năm 2030. Đây là cảnh báo được Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo mới nhất nhằm đánh giá tiến độ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được nhiều quốc gia thông qua vào năm 2015.

 

Chiến tranh, xung đột là một trong những yếu tố cản trở mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, nỗ lực của các quốc gia nhằm thực hiện SDGs đã suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Sau hơn 2 năm bùng phát, đến nay, số bệnh nhân mắc Covid-19 đã vượt quá 560 triệu ca, hơn 5,6 triệu người đã tử vong. Đại dịch đã hủy hoại những tiến bộ đạt được trong xóa đói, giảm nghèo hơn 4 năm qua, làm gián đoạn nghiêm trọng dịch vụ y tế thiết yếu và làm chệch hướng những tiến bộ trong bảo đảm cuộc sống lành mạnh, thúc đẩy hạnh phúc cho tất cả mọi người. Ngoài ra, đại dịch đã khiến hơn 147 triệu học sinh bị gián đoạn học tập tại trường kể từ năm 2020.

Cùng với dịch Covid-19, hàng tỷ người trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả của tình trạng trái đất ấm lên và các hiện tượng thời tiết cực đoan bắt nguồn từ biến đổi khí hậu. Báo cáo của Liên hợp quốc dự báo trong 10 năm tới, lượng khí nhà kính trên toàn cầu sẽ tăng gần 14%. Để giảm tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine đang cản trở các kế hoạch giảm thiểu khí thải các bon của nhiều quốc gia. Các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga khiến nguồn cung khí đốt bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhiều nước châu Âu đã buộc phải khởi động lại các cơ sở nhiệt điện than để bù lấp thiếu hụt.

Bên cạnh đó, xung đột tại Ukraine còn khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt, gây ra khủng hoảng trên các thị trường tài chính, đe dọa an ninh lương thực và các nguồn viện trợ. Các nước kém phát triển nhất đang phải đối phó các vấn đề như tăng trưởng kinh tế yếu, lạm phát gia tăng, tình trạng gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và nợ tăng cao, khiến thanh niên ít có cơ hội tìm được việc làm hơn, trong khi tỷ lệ lao động trẻ em và tảo hôn gia tăng.

Liên hợp quốc dự báo, năm 2022 có thể sẽ có thêm từ 75 đến 95 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực, do sự gia tăng các cuộc xung đột kết hợp với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

SDGs là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG), SDGs dựa trên 6 chủ đề, gồm: Nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. SDGs được đánh giá là toàn diện hơn so với MDG khi hướng tới 17 mục tiêu chủ chốt, từ phát triển xã hội đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng… Các mục tiêu được kết nối và liên kết chặt chẽ nhằm mang tới một sự thay đổi tích cực đồng bộ cho toàn thế giới.

Thời gian tới năm 2030 không còn dài. Nhiều nhà hoạch định chiến lược cho rằng, chỉ có tăng cường hợp tác và kết nối giữa các quốc gia, giảm thiểu nguy cơ xung đột mới có thể giải quyết tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng, sự hỗn loạn liên quan biến đổi khí hậu và làn sóng nghèo đói cùng cực mới hiện nay. Đúng như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Chúng ta cần kết hợp sức mạnh của các thể chế hiện có để cùng nhau giải quyết những thách thức cấp bách nhất của nhân loại”.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top