EU trước nỗi lo mất an ninh năng lượng: Ảnh hưởng cam kết chống biến đổi khí hậu

09:31 - Thứ Năm, 21/07/2022 Lượt xem: 7339 In bài viết

“Bóng ma” về việc gián đoạn nguồn cung khí đốt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) lo lắng về giá cả tăng vọt và chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp về năng lượng cho mùa đông sắp tới. “Cực chẳng đã”, chính phủ một số nước buộc phải cân nhắc quay lại sử dụng than đá để sản xuất điện năng. Điều này làm gia tăng lo ngại châu Âu có thể trì hoãn việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch và ảnh hưởng tới các cam kết chống biến đổi khí hậu.

Một nhà máy nhiệt điện than ở Kozani, Hy Lạp.

Trong vài tháng qua, nguồn cung khí đốt từ Nga tới các đối tác châu Âu đã giảm tối đa. Đầu tháng 7 này, Nga đã tạm dừng hoạt động đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 1 tới Đức để bảo trì hằng năm khiến giá khí đốt ở lục địa này tăng 30%. Việc Gazprom ngừng hoạt động để bảo trì Dòng chảy Phương Bắc 1 không phải là điều bất thường và diễn ra hằng năm. Tuy nhiên, Berlin rất quan ngại động thái mới nhất của Mátxcơva và lo lắng rằng dòng chảy khí đốt quan trọng bậc nhất này có thể sẽ không được nối lại. Việc bảo trì của Nga có thể sẽ gặp khó khăn và trì hoãn vì các lệnh trừng phạt. Trong khi EU đang nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, một số quốc gia thành viên cảnh báo điều này có thể đồng nghĩa với việc phải đốt nhiều than hơn để thu hẹp khoảng cách năng lượng. Đức, Pháp, Italia…, những nước đã cam kết chấm dứt hỗ trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, hiện tuyên bố rằng, đầu tư vào lĩnh vực này là cần thiết như một phản ứng tạm thời đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong khi công bố quyết định chuyển sang các nhà máy nhiệt điện sử dụng than để sản xuất lượng điện cần thiết, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, đây là một giải pháp cay đắng nhưng cần thiết. Động thái này là một bước ngoặt hoàn toàn đối với Đức. Hồi tháng Giêng, Đức đã quyết định đóng cửa hầu hết các nhà máy than vào năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn sản xuất năng lượng dựa trên than đá trong nước vào năm 2038. Quốc gia đầu tàu của EU cam kết tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 80% từ mức 40% hiện nay vào năm 2030. 

Hà Lan cũng đã có một quy định, theo đó tất cả các nhà máy nhiệt điện than phải hoạt động ở mức 35% công suất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten mới đây tuyên bố: “Chính phủ đã quyết định rút lại hạn chế sản xuất đối với các nhà máy nhiệt điện than”. Áo, quốc gia đã ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà máy điện chạy bằng than từ hai năm trước, nhưng ngày 19-6 vừa qua đã quyết định khởi động lại một trong những nhà máy sử dụng than lớn nhất của mình, do Tập đoàn Năng lượng tư nhân Verbund AG vận hành.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng việc tái sử dụng than là một động thái cần thiết nhằm giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa đông và chỉ diễn ra tạm thời, song sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại về tiến độ chuyển đổi của EU sang các giải pháp thay thế ít gây ô nhiễm hơn. Hơn thế, nó làm tổn hại đến các cam kết của EU về chống biến đổi khí hậu. Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, EU đã đồng ý cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030. Sự chuyển dịch sang than một cách ồ ạt ở các nền kinh tế lớn nhất châu Âu như Đức, Italia… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệp định này. Các nước châu Âu đang phải đối mặt với những trận cháy rừng liên tiếp do hạn hán nghiêm trọng và nắng nóng khắc nghiệt. Khi than vẫn tiếp tục là nguồn năng lượng khó loại bỏ tại các nước châu Âu, mục tiêu giảm mạnh phát thải khí nhà kính để có thể ổn định sự nóng lên toàn cầu trong vòng 20 năm tới và hạn chế sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng trở nên khó thực hiện.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top