Trung Đông thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu khí đốt tự nhiên:

Kỳ vọng đa dạng nguồn cung

07:09 - Thứ Ba, 09/08/2022 Lượt xem: 6408 In bài viết

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung khí đốt bị thắt chặt hơn, Trung Đông - khu vực xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới đang tìm cách thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, với bề dày thành tích cung cấp năng lượng ổn định, Trung Đông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu hụt, góp phần đa dạng nguồn cung khí đốt trên toàn cầu.

Một cơ sở sản xuất khí đốt tại Ras Laffan, Qatar.

Theo IEA, các nhà sản xuất dầu khí ở Trung Đông đã là “nền tảng của hệ thống năng lượng toàn cầu” trong nhiều thập kỷ, chiếm khoảng 50% lượng dầu xuất khẩu và 15% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu trên toàn thế giới. Có một tiềm năng khí đốt khổng lồ ở Trung Đông liên quan đến các mỏ dầu lớn ở lưu vực Ả Rập - Iran, hệ tầng Permian Khuff làm nền tảng cho phần lớn khu vực và là chân trời chứa khí quan trọng. Vì vậy, nó tạo thành hồ chứa của mỏ khí đốt tự nhiên không liên kết lớn nhất thế giới, mỏ cực Bắc khổng lồ ở ngoài khơi Qatar và Nam Pars ngoài khơi Iran. Trên cơ sở trữ lượng, Iran và Qatar được xếp vào hàng có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, sau Nga.

Theo trang oilprice.com, Qatar là một trong những nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, dẫn đầu về lĩnh vực khí đốt ở Trung Đông, đồng thời đi đầu trong đáp ứng nhu cầu LNG toàn cầu. Năm 2021, Qatar đã công bố dự án LNG lớn nhất thế giới là North Field East (NFE) để nâng công suất sản xuất LNG của Qatar từ 77 triệu tấn lên 110 triệu tấn/năm. Dự án này dự kiến bắt đầu sản xuất vào quý IV-2025, sẽ có chi phí khoảng 28,75 tỷ USD. Qatar còn có kế hoạch mở rộng một giai đoạn khác tại North Field, mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới mà nước này chia sẻ với Iran.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa chính trị và năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu, Lục địa già đang cố gắng tăng cường nhập khẩu LNG nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào khí đốt của Nga, Qatar đã thể hiện sự sẵn sàng đóng góp để cải thiện các kế hoạch đa dạng hóa và an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU). Năm 2021, Qatar cung cấp 24% tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu, sau Mỹ (26%) và trước Nga (20%). Trong khi đó, các quốc gia vùng Vịnh giàu khí tự nhiên khác lại tụt hậu trong phát triển các dự án khí đốt.

Tuy nhiên, giờ đây, các nước đều đang thay đổi mạnh mẽ để chớp cơ hội giá khí đốt tăng cao trên thế giới. Trong đó, các nhà sản xuất dầu lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng đang làm việc để tăng sản lượng khí đốt trong nước cùng với các dự án thu giữ carbon để giảm lượng khí thải.

Tại UAE, Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đang mở rộng đội tàu LNG theo kế hoạch chiến lược để hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG hiện tại của ADNOC. ADNOC có kế hoạch xây dựng một cơ sở xuất khẩu mới là Fujairah LNG, dự kiến hoạt động từ năm 2026 đến năm 2028. Cơ sở này gồm một nhà máy LNG với tổng công suất 9,6 triệu tấn mỗi năm.

Ông Sultan Ahmed Al Jaber, Giám đốc điều hành ADNOC cho biết, ADNOC cam kết khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào của UAE để có thể tự cung cấp khí đốt trong nước, tăng trưởng và đa dạng hóa ngành này, cũng như đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng trên toàn cầu.

Oman - thành viên của liên minh OPEC đã đặt cược vào việc sản xuất nhiều khí đốt hơn. Xuất khẩu LNG của nước này tăng 8% trong nửa đầu năm 2022. Oman chủ yếu bán LNG cho các khách hàng châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Nước này đang có kế hoạch mở rộng sản xuất khí đốt và đang xem xét thành lập một công ty mới để quản lý tài sản khí đốt quốc gia vào cuối năm nay.

Thị trường khí đốt toàn cầu biến động mạnh kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine và nhu cầu LNG tăng mạnh ở châu Âu khi lục địa này tìm cách cắt bỏ sự phụ thuộc vào Nga là những yếu tố thúc đẩy các nhà sản xuất dầu khí Trung Đông có kế hoạch xuất khẩu nhiều LNG hơn. Các nhà phân tích nhận định, nguồn khí đốt ở Trung Đông sẽ giúp hạ nhiệt giá thành năng lượng, đa dạng nguồn cung cho các khu vực có nhu cầu cao sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top