Ấn Độ cải cách chính sách kho vận quốc gia

09:00 - Thứ Năm, 22/09/2022 Lượt xem: 7829 In bài viết

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (N.Mô-đi) vừa công bố Chính sách kho vận quốc gia (NLP) và đặt mục tiêu cắt giảm chi phí kho vận của nền kinh tế, từ 13-14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống một chữ số trong những năm tới. Là khuôn khổ tổng thể quốc gia đầu tiên cho lĩnh vực hậu cần, kho vận (logistics) trị giá 150 tỷ USD, NLP được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia Nam Á này thúc đẩy thương mại, tạo thêm cơ sở hạ tầng và việc làm.

Kakinada Anchorage - cảng xuất khẩu gạo chính của Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Tại sự kiện công bố NLP mới đây, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, Chính phủ Ấn Độ hướng đến giải quyết những thách thức mà ngành vận tải đang phải đối mặt, đẩy nhanh việc giao hàng ở chặng cuối đến tay người tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp Ấn Độ tiết kiệm thêm thời gian và chi phí.

Chính sách mới cũng sẽ giúp bảo đảm sự di chuyển liền mạch của hàng hóa, dịch vụ trên khắp đất nước, cắt giảm chi phí kho vận vốn đang tăng nhanh và được xem là điểm nghẽn hệ thống lớn nhất đối với cả thương mại quốc tế cũng như nội địa ở Ấn Độ.

Chi phí kho vận cao có tác động sâu rộng lên nền kinh tế. Đối với thị trường nội địa, chi phí vận chuyển lớn sẽ làm tăng áp lực lạm phát do ảnh hưởng đến giá cuối cùng của hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Đối với thương mại quốc tế, chi phí cao khiến hàng hóa xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn, hạn chế tiềm năng thực sự của các sản phẩm Ấn Độ trên thị trường thương mại thế giới.

Chi phí đẩy giá thành cao khiến nền kinh tế Ấn Độ đánh mất sức cạnh tranh, dẫn đến thiệt hại mà theo các chuyên gia ước tính là khoảng 180 tỷ USD và có thể tăng lên mức 500 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời, chi phí dịch vụ kho vận nội địa trở thành rào cản đối với việc thu hút đầu tư quy mô lớn và ảnh hưởng đến mục tiêu biến Ấn Độ trở thành một cường quốc sản xuất.

Chính sách kho vận mới của chính quyền Thủ tướng Modi được xây dựng dựa trên bốn trụ cột quan trọng, gồm: Hệ thống tích hợp kỹ thuật số (IDS); nền tảng giao diện logistics hợp nhất (ULIP); logistics đơn giản (ELOG); nhóm cải tiến hệ thống (SIG). Với IDS, 30 hệ thống khác nhau của bảy bộ, ngành được tích hợp, kết nối, bao gồm dữ liệu của các bộ phận vận tải đường bộ, đường sắt, hải quan, hàng không và thương mại.

Chính phủ Ấn Độ lên kế hoạch đưa các dịch vụ kỹ thuật số liên quan lĩnh vực giao thông vận tải vào một cổng thông tin duy nhất là nền tảng ULIP, giải phóng các nhà xuất khẩu khỏi một loạt các quy trình rườm rà. Đồng thời các quy tắc sẽ được đơn giản hóa theo lộ trình (ELOG).

Nhóm SIG làm nhiệm vụ giám sát tất cả các dự án hậu cần thường xuyên và đóng vai trò như một cầu nối giữa chính phủ và các ngành công nghiệp, cho phép các bên liên quan đưa ra các thắc mắc và đánh dấu các vấn đề để một nhóm chuyên trách liên bộ có thể tìm ra các giải pháp thích hợp. Ngân hàng dữ liệu kho vận ra mắt hồi tháng 7/2022, dù vẫn đang được hoàn thiện, đã giúp theo dõi khoảng 50 triệu container cho cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và đang nổi lên như một trung tâm sản xuất toàn cầu, nhưng chỉ được xếp hạng 44 theo Chỉ số hiệu suất logistics của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2018 (báo cáo mới nhất hiện có). Hậu cần, kho vận yếu kém không chỉ làm tăng chi phí thương mại mà còn dẫn đến tổn thất hàng hóa, nhất là hàng hóa dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Các chuyên gia nhận định, chi phí logistics tại Ấn Độ còn cao là do cơ chế chính sách chưa thuận lợi và vận tải đa phương thức không được ưu tiên bằng vận tải đường bộ. Liên minh Chính phủ cầm quyền vì vậy đã nỗ lực làm việc trong hơn ba năm qua để đưa ra phương án cải cách chính sách kho vận quốc gia toàn diện mà theo Thủ tướng Modi, NLP sẽ "hiện đại hóa" ngành logistics tại quốc gia Nam Á.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top