Trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế châu Phi

15:31 - Thứ Tư, 28/09/2022 Lượt xem: 7495 In bài viết

Khủng hoảng khí hậu, bất ổn chính trị và sự khó lường trong chính sách là những mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn của châu Phi. Đó là cảnh báo mà các chuyên gia đưa ra trong báo cáo “Chỉ số rủi ro-phần thưởng châu Phi” năm 2022. Lục địa Đen đang bị khó khăn bủa vây từ nhiều phía và cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đối phó hàng loạt thách thức.

Thiếu nước nghiêm trọng do hạn hán kéo dài ở châu Phi. (Ảnh UNICEF)

Nhà phân tích Tây Phi tại công ty tư vấn toàn cầu Control Risks, bà Patricia Rodrigues (P.Rô-đri-ghê) lưu ý rằng, các nỗ lực phục hồi kinh tế của châu Phi đang gặp nhiều trở ngại do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine và hạn hán triền miên.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi chính trị mong manh tại một số nước, nợ công gia tăng và khoảng cách về phát triển kết cấu hạ tầng cũng kìm hãm các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lục địa này, gây phương hại cho tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định, các quốc gia châu Phi đang lâm vào tình thế khó khăn khi họ có kế hoạch cải cách kinh tế vào thời điểm nạn đói và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

Dự báo, có ít nhất 123 triệu người, tương đương 12% dân số khu vực phía nam sa mạc Sahara, sẽ lâm vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Hiện có 20% dân số châu Phi sống trong nhóm 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và trong khoảng thời gian từ năm 2010-2022 đã có 172,3 triệu người ở châu lục này bị ảnh hưởng bởi hạn hán, 43 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Dự tính, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ đẩy thêm 78 triệu người ở châu Phi vào tình trạng đói triền miên vào năm 2050, trong đó có hơn một nửa là ở vùng cận Sahara.

Trong bối cảnh phải gồng mình để tìm cách ứng phó những cuộc khủng hoảng quy mô lớn, châu Phi cần giải quyết các thách thức về mất an ninh lương thực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, đồng thời xây dựng lòng tin của người dân đối với các chính phủ để duy trì tăng trưởng và ổn định.

Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của châu Phi phụ thuộc vào việc phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư vào hệ thống lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập nhanh chóng và quản lý tài chính công thận trọng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) đánh giá châu Phi có tiềm năng rất lớn để rời xa nhiên liệu hóa thạch. Lục địa này có các nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và địa nhiệt quan trọng, có thể biến nơi đây thành khu vực dẫn đầu về năng lượng tái tạo.

Theo IMF, chính phủ các nước châu Phi đang đối mặt một môi trường đầy thách thức trong triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô. Việc giải quyết tình trạng thiếu khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực sẽ đòi hỏi ưu tiên chính sách cẩn trọng trong bối cảnh hạn chế về tài chính và năng lực.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, nhất là trong vấn đề cấp bách chống biến đổi khí hậu, châu Phi cần sự hỗ trợ vốn của các tổ chức tài chính quốc tế. Liên hợp quốc tuyên bố sẽ giúp các nước châu Phi phát triển thị trường vốn để tăng tốc phát triển kinh tế.

Theo bà Sonia Essobmadje (X.E-xốp-ma-giê), Trưởng Bộ phận Tài chính đổi mới và Thị trường vốn thuộc Ban Tài chính và Phát triển khu vực tư nhân tại Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA), các thị trường vốn phát triển tốt sẽ đóng vai trò là cửa ngõ cho các nguồn vốn nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào châu Phi. Thị trường vốn trong nước sôi động cũng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của châu Phi vào nợ nước ngoài để tài trợ cho các dự án phát triển.

UNECA mong muốn có thêm số các quốc gia châu Phi có sàn giao dịch chứng khoán để có thể huy động vốn thông qua phát hành các công cụ nợ và vốn cổ phần. Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính để giúp các nước trong khu vực này ứng phó các mối đe dọa về khí hậu. WMO đã nêu bật tầm quan trọng của việc tăng đầu tư vào ứng phó biến đổi khí hậu, khi ước tính đến năm 2030, các ảnh hưởng của khí hậu có thể khiến các quốc gia châu Phi thiệt hại 50 tỷ USD/năm.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top