Kinh tế Đức: Khó khăn chồng chất

09:56 - Thứ Ba, 11/10/2022 Lượt xem: 6376 In bài viết

Kinh tế Đức tiếp tục bộc lộ những dấu hiệu giảm tốc nghiêm trọng trong bối cảnh khó khăn chồng chất. Bốn viện kinh tế hàng đầu của Đức đều dự báo, nền kinh tế Đức sẽ trải qua thời kỳ u ám ít nhất là tới hết năm 2023. Điều này khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc suy thoái có thể tác động dây chuyền sâu rộng tới kinh tế toàn châu Âu.

Thiếu hụt năng lượng để phục vụ sản xuất có thể khiến nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Đức gặp khó trong mùa đông năm nay.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, hoạt động kinh tế của Đức trong tháng 8-2022 giảm 2,4% so với tháng trước đó. Số đơn đặt hàng đã giảm 3,4%, trong khi đơn hàng nước ngoài giảm 1,7%. Lạm phát cũng đã lên tới 8,5%. Tình trạng này như “đổ dầu vào lửa” trong bối cảnh nền kinh tế số một châu Âu đã rơi vào tình trạng trì trệ từ quý II-2022. Những khó khăn chính được giới chuyên môn chỉ ra, gồm tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá năng lượng tăng vọt, đại dịch Covid-19 chưa kết thúc và nguồn cung gián đoạn.

Điểm sáng hiếm hoi lúc này là các ngành công nghiệp cơ khí và ô tô của Đức ghi nhận mức tăng trưởng trong số đơn đặt hàng của tháng 8-2022, với lần lượt là 4,7% và 3,8%. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và chất trung gian vẫn tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường và sản xuất ô tô... Tương tự, các nhà sản xuất máy móc và thiết bị của Đức - trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế - tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Đức, 3/4 các công ty trong cả hai lĩnh vực đều báo cáo tình trạng nghẽn nguồn cung trong tháng 9-2022.

Ngoài nguồn cung, năng lượng tiếp tục là bài toán đau đầu với hoạt động sản xuất của Đức. Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức Klaus Müller cho biết, lượng tiêu thụ khí đốt tại Đức đã tăng quá nhanh trong tuần trước. Cụ thể, lượng tiêu thụ khí đốt của các hộ gia đình và khách hàng kinh doanh nhỏ ở mức 618 GWh/ngày trong tuần trước, tăng 10% so với lượng tiêu thụ trung bình trong giai đoạn 2018-2021; trong khi lượng tiêu thụ của ngành Công nghiệp là 1.370 GWh/ngày, chỉ giảm 2% so với mức trung bình các năm trước. Theo ông Klaus Müller, đây là các con số quá cao trong bối cảnh hiện tại. Nếu không tiết kiệm ít nhất 20% khí đốt trong các lĩnh vực tư nhân, thương mại và công nghiệp, Đức sẽ khó tránh khỏi tình trạng khẩn cấp về khí đốt vào mùa đông 2022.

Khó khăn trầm trọng khiến các ý kiến dự báo tới nay đều bi quan về việc Đức đã đứng bên bờ vực suy thoái. Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức thừa nhận triển vọng không mấy khả quan trong những tháng còn lại của năm 2022. Còn theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế Leibniz, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2022 có thể chỉ tăng 1,4%, tức giảm một nửa so với mức dự báo hồi đầu năm và tiếp tục giảm sâu trong năm 2023, có thể chỉ ở mức tăng trưởng 0,4%.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, nền kinh tế Đức có cơ hội tăng trưởng trở lại trong năm 2024 (khoảng 1,9%), nhưng chỉ khi Berlin bảo đảm được nguồn cung năng lượng. Nhận thức rõ điều này, Chính phủ Đức đang nỗ lực giải bài toán khó. Từ cuối tháng 9-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đàm phán thỏa thuận mua khí đốt từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE); đồng thời tích cực đi thăm nhiều nước để tìm nguồn cung khí đốt mới. Đức cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm tiếp nhận khí đốt hóa lỏng tại Wilhelmshaven, với kỳ vọng sau khi đưa vào hoạt động có thể cung cấp lượng khí đốt tương đương 20% nguồn cung năng lượng từ Nga.

Nhìn chung, lúc này là giai đoạn mang tính quyết định với nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đòi hỏi những đối sách kịp thời và phù hợp. Dù vậy, với lợi thế về cấu trúc kinh tế ưu việt dựa trên ngành Công nghiệp hùng mạnh, Đức có nhiều thuận lợi và cơ hội để “vượt sóng dữ” an toàn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top