Nhằm giảm bớt tác động của giá cả tăng do đồng yên lao dốc và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, Nhật Bản vừa thông qua gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 39 nghìn tỷ yên (264 tỷ USD). Gói kích thích kinh tế mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% - mức lãi suất được cho là làm tăng áp lực giảm giá lên đồng yên và đẩy nền kinh tế đứng thứ ba thế giới vào vòng xoáy lạm phát.
Người dân Nhật Bản đang phải cắt giảm chi tiêu vì giá thực phẩm tăng cao.
Hội đồng chính sách Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã quyết định nâng dự báo lạm phát của nước này trong năm tài khóa 2022 từ 2,3% lên 2,9%, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng từ 2,4% xuống còn 2%. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết: “Gói kích thích kinh tế được thông qua để khắc phục tình trạng giá cả tăng cao và phục hồi kinh tế”. Chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến sẽ hỗ trợ 7 yên/kWh điện tiêu thụ cho các hộ gia đình và 3,5 yên/kWh cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ 30 yên/m3 khí đốt tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tháng, bình quân một hộ gia đình sẽ được hỗ trợ khoảng 2.800 yên tiền điện và khoảng 900 yên tiền khí đốt. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản sẽ gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn nhiên liệu nhằm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Những hỗ trợ liên quan đến năng lượng như trên sẽ cho phép một hộ gia đình tiết kiệm được trung bình 5.000 yên/tháng, từ tháng 1 đến tháng 9-2023. Koya Miyamae, nhà kinh tế cấp cao tại SMBC Nikko Securities nhận định, các bước hỗ trợ này có thể làm chậm tốc độ lạm phát và giúp cải thiện tâm lý người tiêu dùng.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2% của BOJ và hiện thực hóa chính sách tái phân phối của cải của Thủ tướng Kishida Fumio. Các biện pháp quan trọng khác của gói kích thích kinh tế gồm trợ cấp 100.000 yên/người cho phụ nữ đang mang thai; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất ngũ cốc, phân bón và thức ăn gia súc để tăng sản lượng trong bối cảnh nguồn cung các mặt hàng này đang trở nên khan hiếm do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bằng cách giảm các chi phí đó, Nhật Bản sẽ ngăn tỷ lệ lạm phát leo lên mức cao như ở châu Âu và Mỹ, đồng thời chính phủ có kế hoạch đẩy tỷ lệ lạm phát xuống 1,2 điểm phần trăm hoặc thấp hơn thông qua các biện pháp cứu trợ.
Lạm phát ở Nhật Bản tăng chậm và vừa phải hơn so với các nước phát triển khác nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 3% vào tháng 9-2022, mức cao nhất kể từ tháng 8-1991. Mức lạm phát này mặc dù ở mức tương đối thấp vẫn là cú sốc đối với một quốc gia quen với việc giá cả hầu như không đổi, thậm chí giảm, trong hai thập kỷ qua. Kể từ đầu năm tới nay, đồng yên đã mất giá khoảng 30% so với đồng USD. Sự suy yếu của đồng yên so với đồng USD đã làm tăng chi phí nhập khẩu, gia tăng áp lực giá cả và làm tổn hại đến ngân sách của các hộ gia đình. Tác động của sự giảm giá nhanh chóng của đồng yên ngày càng được cảm nhận rõ hơn, khi BOJ duy trì chính sách lãi suất siêu thấp ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Theo báo cáo mới đây, kinh tế Nhật Bản đang phục hồi với tốc độ vừa phải. Tokyo ước tính, gói kích thích kinh tế mới có thể giúp tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế thêm 4,6%. Đây có thể là tín hiệu tích cực trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao khiến dòng thu nhập của Nhật Bản chảy ra nước ngoài, làm tăng áp lực suy thoái đối với nền kinh tế nước này.