Ngày 31/10, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận lạm phát tăng kỷ lục lên mức 10,7% trong tháng 10, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997.
Khu vực Eurozone ghi nhận lạm phát tăng kỷ lục lên mức 10,7% trong tháng 10. (Ảnh: AFP) |
Nếu con số này được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) xác nhận chính thức vào tháng 11, đây sẽ là mức cao kỷ lục, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Eurozone, lạm phát vượt mốc 10% kể từ khu vực này thành lập. Chỉ số này làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái trong tương lai.
Đáng chú ý, trong số 19 nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung Eurozone, có đến 11 nước ghi nhận tỷ lệ lạm phát vượt mức 10%, trong đó riêng 3 quốc gia Baltic có tỷ lệ lạm phát cao nhất là trên 20%, gồm Estonia (22,4%), Lithuania (22%) và Latvia (21,8%). Tiếp đó là Hà Lan, với tỷ lệ lạm phát lên tới 17%, Bỉ là 13,1%, Italy 12,8% và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với tỷ lệ lạm phát trong tháng 10 /2022 là 11,6%, cao nhất trong hơn 7 thập kỷ qua.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát khu vực Eurozone tiếp tục duy trì ở mức cao, Eurostat nhận định giá năng lượng và thực phẩm vẫn là 2 yếu tố lớn nhất khiến lạm phát khu vực này tăng cao.
Cụ thể, giá năng lượng trong tháng 10 tại các nước Eurozone đã tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá thực phẩm tăng 13,1%. Lạm phát lõi, không bao gồm nhiên liệu cũng tăng lên 5%, từ mức 4,8% trong tháng 9.
Giá tiêu dùng tại châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra trong bối cảnh Moskva siết chặt nguồn cung khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây, từ đó dẫn đến việc châu Âu phải tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ các nước khác và phải trả giá cao hơn.
Giá năng lượng tăng cao là thách thức lớn với nền kinh tế Eurozone, khiến các hộ gia đình ít chi tiêu hơn cho hàng hóa và dịch vụ, đồng thời làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà máy sử dụng nhiều năng lượng.
Số liệu do Eurostat công bố ngày 31/10 cũng cho thấy nền kinh tế khu vực tiếp tục yếu đi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone chỉ tăng 0,2% trong quý III/2022 so với quý trước đó. Mức tăng này nằm trong dự báo, nhưng đã giảm mạnh so với mức tăng 0,8% ghi nhận trong quý II. Trong đó, kinh tế Đức tăng tốc nhẹ, nhưng Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều chứng kiến sự giảm tốc mạnh mẽ.
Trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hồi tuần trước đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 1,5% và xác nhận sẽ tiếp tục tăng chỉ số này trong những tháng tới.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhắc lại tình hình lạm phát hiện nay là nguyên nhân khiến ECB đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ. Bà Christine Lagarde cho rằng, Ngân hàng Trung ương này đã “đạt tiến bộ lớn” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ./.