Trái đất bước vào "kỷ nguyên sôi sục"

16:58 - Thứ Hai, 31/07/2023 Lượt xem: 4324 In bài viết

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi gấp rút hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệt độ kỷ lục trong tháng 7 cho thấy Trái đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang “kỷ nguyên sôi sục”.

Trẻ em chơi với nước trong đợt nắng nóng bất thường ở châu Âu. Ảnh: The Guardian

Nóng lên quá nhanh

Theo nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), tháng 7 này có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới và có thể là tháng nóng “chưa từng thấy” trong hàng ngàn năm qua.

Ông Guterres bày tỏ lo ngại khi nắng nóng gay gắt khắp Bắc bán cầu trong mùa hè khắc nghiệt, khiến tháng 7 năm nay trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử. Ông cũng nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang hiện hữu, gây tác động nghiêm trọng và đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Các tác động cực đoan của biến đổi khí hậu phù hợp với dự báo và hàng loạt cảnh báo của giới khoa học. Tuy nhiên, tốc độ của hiện tượng này đang diễn ra đáng kinh ngạc. Trước thực tế đáng báo động đó, ông Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi nhanh chóng hành động sâu rộng, đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước phát triển cam kết đạt mức trung hòa carbon sớm nhất vào năm 2040 và đối với các nền kinh tế mới nổi là năm 2050. Ông nhấn mạnh rằng thay vì tuyệt vọng trước các tác động tiêu cực, nhân loại cần gấp rút hành động ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất, phải biến một năm nóng như lửa đốt thành một năm đầy tham vọng. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), ông Sultan Al Jaber, cũng đã kêu gọi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.

Cần hành động ngay

Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ vượt xa mức giới hạn 1,5oC. Song chính phủ các nước vẫn chưa triển khai các chính sách để đảm bảo đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Đây là đánh giá của ông Jim Skea, tân Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ, khi trả lời phỏng vấn của Reuters. Giải thích nhận định trên, ông J.Skea cho rằng việc chính phủ các nước chỉ dừng lại ở các kế hoạch hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng gần 3oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Tân Chủ tịch IPCC cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris, chính phủ các nước cần triển khai các chính sách mạnh tay và mau lẹ nhằm cắt giảm mức phát thải khí nhà kính. Đây là thời điểm để chính phủ các nước triển khai các công cụ chính sách của mình, như đầu tư lớn hơn vào năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, chấm dứt đầu tư vào nguyên liệu hóa thạch. Tân Chủ tịch IPCC cũng cho rằng, thế giới sẽ cần phát triển nhiều giải pháp công nghệ hơn nữa để thu hồi và lưu giữ CO2, nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top