Ngày 15-8-2023 đánh dấu tròn hai năm Taliban lên nắm quyền trở lại tại Afghanistan. Trong hai năm qua, cuộc sống của người dân đất nước này, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn vô vàn khó khăn.
Dù cam kết áp dụng các quy định mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên (1996-2001) nhưng Taliban vẫn từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ.
Theo bà Alema Alema, cựu Thứ trưởng Bộ Hòa bình Afghanistan, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Taliban đã ban hành 51 lệnh cấm có ảnh hưởng đến phụ nữ, tức là hơn một lệnh cấm mỗi tháng. Chính quyền Taliban đã cấm phụ nữ tham gia vào hầu hết công việc, đóng cửa phần lớn trường trung học dành cho nữ sinh, không cho phụ nữ học đại học, đồng thời đưa ra các biện pháp hạn chế hà khắc khác về quyền tự do đi lại. Việc Taliban trở lại nắm quyền đã nhanh chóng đảo ngược nỗ lực trong hai thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế, nhằm tạo cơ hội để phụ nữ Afghanistan có thể tạo lập kinh doanh.
Chia sẻ với trang DW, Maryam Marof Arwin, một phụ nữ Afghanistan 29 tuổi, cho biết: "Tôi cảm thấy như mình đang sống trong ác mộng. Thật khó để hiểu những gì chúng tôi đã trải qua trong hai năm qua".
Đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là lực lượng nắm quyền hợp pháp tại Afghanistan. Cộng đồng quốc tế coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điều kiện quan trọng trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận đối với Taliban.
Theo bà Sima Bahous-Phó tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời là Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), gần 25% số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới. Việc chính quyền hiện nay tại Afghanistan đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ trong việc tham gia kinh tế-xã hội có thể khiến khoảng 2 triệu phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, những hạn chế này cũng có thể gây ra vết thương ngày càng lớn và khó lành cho quốc gia Tây Nam Á này.
Hiện nay, Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người cần được hỗ trợ để tồn tại. Lương thực, chăm sóc y tế đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân Afghanistan khi mà hơn một nửa dân số nước này đang rơi vào cảnh mất an ninh lương thực, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, hơn nửa triệu người dân Afghanistan tiếp tục gia nhập vào con số này. Thảm họa nhân đạo đến với Afghanistan vào thời điểm chính quyền Taliban bị thế giới cô lập, bị cắt hết các khoản viện trợ và vốn vay phát triển, cũng như bị phong tỏa tài sản gửi ở bên ngoài.
Bên cạnh đó, Afghanistan phải đối mặt với hạn hán kéo dài và suy thoái kinh tế năm thứ hai liên tiếp. Sản lượng kinh tế của Afghanistan đã giảm 20,7% sau khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021.
Bất ổn an ninh cũng vẫn là thách thức với Afghanistan. Dù lực lượng Taliban điều hành Afghanistan đang tập trung nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh cho đất nước và đã thực hiện nhiều chiến dịch vây bắt các thành viên của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, song thủ đô Kabul và các trung tâm đô thị khác vẫn hứng chịu các vụ tấn công gây thương vong.
Theo Phái bộ LHQ tại Afghanistan (UNAMA), hơn 1.000 dân thường tại quốc gia này đã thiệt mạng trong những vụ đánh bom, tấn công bạo lực khác kể từ khi các lực lượng nước ngoài rời đi và Taliban tiếp quản vào năm 2021.
Trong thông điệp đưa ra hồi tháng 4 vừa qua, Mawlawi Hibatullah Akhundzada, lãnh đạo chính quyền Taliban ở Afghanistan, từng đề cập tới những thành tựu đạt được kể từ khi lên nắm quyền. Ông khẳng định chính quyền do Taliban lãnh đạo đã giúp chấm dứt xung đột và bảo đảm hòa bình tại Afghanistan, đồng thời đưa nền kinh tế vào quỹ đạo, chống tham nhũng, cấm chế biến và buôn bán ma túy tại nước này.
Dù vậy, nhìn vào tình hình Afghanistan hiện nay, có thể thấy vẫn còn quá nhiều điều gây quan ngại về tình hình chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội tại quốc gia Tây Nam Á này. Sau hai năm Taliban trở lại nắm quyền, chờ đợi Afghanistan phía trước vẫn là những trở ngại, chông gai khó có thể vượt qua.